Theo đó, Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg mới được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Đáng chú ý, quyết định này quy định mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Như vậy, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng so với mức cũ đã áp dụng từ 1/12/2019.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng sửa đổi khoản 2 điều 2 về đối tượng được vay vốn bao gồm các em học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng cụ thể như sau:
>>> Xem thêm: Từ năm 2022, sếp quấy rối tình dục nhân viên tại nơi làm việc bị phạt từ 50 - 75 triệu đồng
1. Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
2. Học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
3. Các em học sinh, sinh viên thuộc những hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
Quyết định mới này cũng sửa đổi khoản 2, Điều 9 về quy định trả nợ gốc và lãi tiền vay. Cụ thể, kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, những người đã được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Hoặc cũng có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký hợp đồng trước ngày 19/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan vẫn thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký. Mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên nói trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ ngày 19/5/2022.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên) trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (học phí và chi phí sinh hoạt). Trong khi một học sinh, sinh viên trung bình có mức chi phí 1 tháng là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (cụ thể bao nhiêu sẽ tùy vào mức học phí cao nhất).
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chia sẻ, mức cho vay tối đa 1 học sinh, sinh viên tại thời điểm ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg là 800.000 đồng/tháng. Mức này chỉ đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của học sinh, sinh viên. Còn mức cho vay 2,5 triệu đồng/học sinh, sinh viên/tháng tại năm 2019 cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập.
Do đó, ở thời điểm hiện nay, mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của học sinh, sinh viên. Hơn nữa, các chi phí sinh hoạt hiện nay vẫn tiếp tục gia tăng, do đó, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng rất khó để học sinh, sinh viên đảm bảo cuộc sống.
Đồng quan điểm, Bộ Tài chính cho biết, việc thay đổi mức vay vốn tối đa cho sinh viên, học sinh như vậy là cần thiết. Vì như vậy mới phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc tăng mức vay vốn còn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập qua, giúp ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và học sinh, sinh viên đồng thời nâng cao trình độ dân trí là cần thiết.
Bình luận