Sau hai ca mổ thức tỉnh có hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, bác sĩ Đồng Văn Hệ và đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật.
Bệnh nhân 55 tuổi ở Quảng Bình được mổ cuối tháng 3/2019 tại Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân bị đau đầu, tê bì và yếu tay, bác sĩ xác định khối u não kích thước 2x3 cm nằm ở vị trí ảnh hưởng đến chức năng vận động. "Ở vị trí này nếu can thiệp cắt u không cẩn thận có thể gây liệt", bác sĩ Hệ nói.
Ca mổ diễn ra trong 3 giờ, bác sĩ đã lấy được trọn vẹn khối u não cho bệnh nhân. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng, đặc biệt tay không còn tê bì.
Phương pháp mổ não thức tỉnh được tiến hành trong tình trạng bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt ca mổ, thậm chí sẽ phải giao tiếp và làm theo mệnh lệnh của bác sĩ.
Mổ sọ não khi bệnh nhân thức tỉnh giúp giảm nguy cơ cắt hoặc chạm phải các dây thần kinh phụ trách vận động, nghe, nói... tránh di chứng liệt hoặc câm điếc. Nó khác biệt với việc phẫu thuật trên bệnh nhân gây mê. Có rất nhiều trường hợp cần phải sử dụng phương pháp này như u tế bào thần kinh đệm, khối u di căn não, dị dạng mạch não, người bệnh động kinh... ở cả người lớn và trẻ em.
Ca mổ thức tỉnh với bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện với sự hỗ trợ của hai chuyên gia Nhật Bản vào năm 2019. Bác sĩ Hệ cho biết mời ekip mổ đã khó, song việc lựa chọn bệnh nhân để mổ còn khó hơn. Tiêu chí đầu tiên để lựa chọn bệnh nhân trong ca mổ đặc biệt này là phải biết tiếng Anh để nói chuyện được với bác sĩ Nhật.
Bệnh nhân được lựa chọn là thanh niên 36 tuổi ở Hà Nội. Anh từng được mổ u não theo cách truyền thống vào tháng 4/2018, nhưng do e ngại ảnh hưởng vùng chức năng nói trên não nên bác sĩ không dám xâm lấn rộng vào não và vẫn còn lại một phần khối u. Bệnh nhân sau đó bị đau đầu và động kinh 2 lần. Đi khám, bác sĩ phát hiện có khối u đường kính khoảng 6 cm, chèn ép nhiều cơ quan liên quan đến chức năng như nói, vận động.
Với cách mổ truyền thống, bệnh nhân được gây mê hoàn toàn, nếu ca mổ tác động đến vùng chức năng ngôn ngữ, vận động..., bác sĩ có thể không phát hiện ra. Khi mổ thức tỉnh, bệnh nhân chỉ được gây tê để tránh đau khi rạch da, còn lại vẫn tỉnh táo hoàn toàn trong toàn bộ ca mổ. "Chúng tôi cắt được khối u nhiều nhất có thể mà vẫn bảo vệ được các chức năng nói và vận động của bệnh nhân, vì bác sĩ nhận biết được đâu là vùng nói, vùng vận động", bác sĩ Hệ nói. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không có di chứng.
Được biết, 30 năm trước, các nước châu Âu đã sử dụng phương pháp này để loại bỏ các khối u, dị dạng trong não, nhằm tránh các di chứng trong phẫu thuật.
Đến nay, Việt Nam có hơn 10 bệnh nhân đã được mổ não theo phương pháp thức tỉnh. Các bệnh nhân sau mổ đều phục hồi tốt, không có di chứng. Chi phí ca mổ tương đương với mổ truyền thống.
Việt Nam chưa có quy trình cho phương pháp mới này. Bác sĩ Hệ cho biết đang gửi đề tài cấp Bộ để xin phép đưa phương pháp này thành mổ thường quy tại Bệnh viện Việt Đức cũng như được ứng dụng tại các các cơ sở y tế khác. Việc thực hiện được phương pháp mổ thức tỉnh tại Việt Nam có thể giúp cho nhiều bệnh nhân sắp tới.
Bình luận