Trong kỳ họp Quốc hội mới nhất, các đại biểu quốc hội đã cùng nhau thảo luận và đưa ra ý kiến về dự thảo luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định 18 hành vi được coi là bạo lực.
Tại phiên họp chiều ngày 30/5, Quốc hội đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi được coi là bạo lực gia đình, bên cạnh 18 hành vi đã được quy định trong dự thảo. Đây cũng là nội dung được các đại biểu đóng góp ý kiến nhiều nhất.
Về vấn đề bạo lực gia đình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng bạo lực có nhiều hình thái khác nhau. Nếu như bạo lực về thể xác hay kinh tế có thể nhận diện được bằng mắt thường và các biểu hiện bên ngoài, thì bạo lực tinh thần hay còn gọi là bạo lực lạnh lại đang khó được định dạng. Hành vi bạo lực này rất khó nhận ra và cũng không hề đơn giản để có thể cho rằng nó đã chạm đến ngưỡng của bạo lực tinh thần hay chưa. Bởi vậy cần phải lượng hóa biểu hiện để luật dễ thực thi.
Bộ trưởng Văn hóa đặt vấn đề: “Sức ép của các bà vợ cứ bảo chồng phải đi làm cho thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?”.
Có thể thấy câu hỏi này không chỉ là thắc mắc của người dân mà còn là câu chuyện khiến những người làm luật băn khoăn và cần phải cân đo đong đếm rất kỹ lưỡng. Bởi bạo lực tinh thần sẽ để lại vết thương tâm lý lâu dài khó có thể chữa lành như những vết thương ngoài da.
Bên cạnh đó Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung cũng chỉ ra thêm một dẫn chứng khác cũng có thể coi là hành vi bạo lực gia đình. Bà đưa ra giả thiết: “Ví dụ, khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có…”.
Theo bà, đây là những hành vi rất khó nhận biết nhưng cần đưa vào luật để áp dụng hiệu quả, bởi lẽ thường “không muốn vạch áo cho người xem lưng” nên việc phòng chống bạo lực gia đình khó khả thi và hiệu quả.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho rằng phải tính đến trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, vì nếu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” thì không thể nào phòng chống bạo lực được.
Bình luận