Cùng mang lại cảm giác nóng đến đổ mồ hôi liên tục, mặt đỏ bừng lên và cảm giác như làn da có thể tan chảy hoặc cháy khô bất cứ lúc nào… thế nhưng phòng xông hơi khô và phòng xông hơi ướt liệu có phải là một?
“Về mặt khoa học, cả hai đều có một số lợi ích cho sức khỏe” - Bác sĩ Chiti Parikh, đồng giám đốc chương trình Chăm sóc sức khỏe và hòa nhập tại Trung tâm y tế New York Presbyterian Weill Cornell cho hay. Tuy nhiên hai phương pháp này vẫn hoàn toàn khác nhau. Đâu là sự khác nhau giữa hai phương pháp và đâu là lựa chọn phù hợp nhất với bạn?
Xông hơi khô dùng nhiệt khô từ các thanh điện trở để đốt nóng các hòn đá tỏa nhiệt và tăng nhiệt độ phòng từ 180 – 195 °F. Do nhiệt độ phòng cao nên vật liệu thiết kế phòng đều là gỗ, vì gỗ giữ nhiệt thấp, tránh làm bỏng da. “Nôm na giống như bạn đang ngồi trong lò nướng. Đó là lý do mà mọi người thường đổ thêm nước hoặc các dung dịch thảo dược lên các hòn đá để tăng cường độ ẩm trong phòng sauna" - Bác sĩ Chiti Parikh cho biết.
Lợi ích nhận được từ việc xông hơi khô chính là việc bạn cảm thấy sự lưu thông máu tốt hơn và sức khỏe tim mạch được cải thiện. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người thường xuyên sử dụng phòng xông hơi khô (ít nhất 4 lần 1 tuần, mỗi lần 20 phút) có nguy cơ đau tim, đột quỵ và mất trí nhớ thấp hơn đáng kể so với người không sử dụng.
Ngồi trong phòng xông khô gần giống như việc đi bộ trên máy với tốc độ đều đặn. Vì hơi nóng trong phòng, tim của bạn phải bơm máu nhiều hơn để lưu thông máu, tâm trạng của bạn nhờ vậy cũng được cải thiện. Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra đó là tình trạng mất nước và chóng mặt do nóng bức. Vì vậy, bạn cần đảm bảo uống đủ nước trước và sau buổi xông khô. Ngoài ra, sauna cũng không phải là lựa chọn dành cho người bị đau tim hay có bất cứ vấn đề nào về bệnh tim mạch vì nó sẽ làm tăng nhịp tim và bạn sẽ khó kiểm soát được tình trạng này - Chiti Parikh lưu ý.
Xông hơi ướt có tất cả các lợi ích về sức khỏe (và cả rủi ro) tương tự như xông hơi khô, bởi vì ảnh hưởng của nhiệt là như nhau, dù đó là nhiệt khô hay nhiệt ẩm. Điều này có nghĩa là bạn vẫn sẽ nhận được một số lợi ích tim mạch cũng như giảm đau về xương khớp, cơ bắp.
Một lợi ích quan trọng, nổi bật của phòng xông ướt chính là nó giống như một phương pháp trị liệu dành cho người bị hen suyễn hay dị ứng (điều này xông hơi khô gần như không mang lại). Hơi nước trong phòng xông sẽ giúp giữ ẩm, phổi nở hơn và hít thở trong hơi nước giúp giảm viêm xoang, hen suyễn, viêm phế quản… rất tốt cho hô hấp.
Thế nhưng, chị em phụ nữ đừng hy vọng vào tác dụng giảm cân của xông hơi như những lời quảng cáo đường mật tại các spa. Bất kỳ trọng lượng nào giảm sút sau khi bước ra khỏi phòng xông hơi thực tế đều là do mất nước khi cơ thể phải đổ quá nhiều mồ hôi trong thời gian liên tục. Hãy bỏ qua ý định giảm cân, thay vào đó là nhìn vào lợi ích của xông hơi ướt và lựa chọn vì sức khỏe.
Như trên đã đề cập, cả hai đều mang lại lợi ích tương đương, nhưng nếu bạn có vấn đề về các bệnh hô hấp, hãy lựa chọn xông hơi ướt, nó sẽ giúp các triệu chứng được giảm đi rõ rệt. Còn lại là vấn đề thuộc về sở thích cá nhân.
Cho dù bạn lựa chọn phương pháp nào, bác sĩ Chiti Parikh cũng khuyên bạn nên bắt đầu chậm rãi, dần dần và ngồi thấp (gần sàn) khi bước vào phòng xông hơi. Duy trì xông hơi thường xuyên sẽ vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp làn da có thêm sức sống nhờ việc loại bỏ độc tố bài tiết qua tuyến mồ hôi. Hãy dành ra 5-10 phút khi xông hơi để cơ thể làm quen rồi tăng dần lên 20 phút và số lần đến spa trong 1 tuần khi cơ thể đã hoàn toàn thích nghi với chúng.
Bình luận