Mới đây, theo tờ New York Times đưa tin, các bác sĩ tại bệnh viện N.Y.U. Langone, New York, Mỹ, đã tiến hành cấy ghép thành công một quả thận lợn cho người. Điều đáng mừng là sau khi được đưa vào cơ thể người, quả thận này hoạt động bình thường.
Theo đó, quả thận này được lấy từ một con lợn bị biến đổi gene. Cũng vì vậy mà nó được xem là quả thận "sạch", không còn chứa các phân tử lạ với cơ thể con người. Chính vì vậy mà khi cấy ghép, quả thận không bị cơ thể đào thải khi tiếp nhận.
Được biết, nhiều năm nay, các nhà khoa học đã xem lợn là loài vật thích hợp để nuôi cấy cơ quan nhằm mục đích cấy ghép cho con người. Ca cấy ghép thành công này được coi là niềm hy vọng với hơn 100.000 người Mỹ đang chờ ghép nội tạng, trong đó hiện có hơn 90.000 người chờ ghép thận.
Chia sẻ về ca cấy ghép trên, bác sĩ Robert Montgomery - trưởng nhóm nghiên cứu tại bệnh viện N.Y.U. Langone - cho biết đây được xem là sự thành công ngoài mong đợi, mở ra một bước ngoặc mới cho nền y học thế giới.
Vị bác sĩ cũng cho biết thêm: "Nó giống như mọi lần tôi dùng nội tạng từ người cho sống để cấy ghép. Một số quả thận từ người chết không hoạt động ngay mà phải chờ vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, quả thận trên hoạt động ngay lập tức".
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà khoa học còn phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi đưa phương pháp này ra ngoài sử dụng đại trà để cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Hơn nữa, cuộc phẫu thuật trên được thực hiện trên một bệnh nhân chết não và chỉ kéo dài 54 giờ. Chính vì vậy mà các bác sĩ chưa đánh giá được hết tác động lâu dài của việc cấy ghép lên cơ thể. Theo nhận định của giáo sư Dorry Segev tại Đại học Johns Hopkins thì cần tiến hành nghiên cứu thêm về độ bền vững của cơ quan trên. Dù với ông, đây được xem là một bước tiến lớn.
Bình luận