Bằng sự kết hợp giữa gạo nếp hương và trám đen, một loại quả phổ biến ở các tỉnh Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn… người Cao Bằng đã chế biến ra món xôi trám nổi tiếng. Không chỉ xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày hay trong ngày giỗ, ngày rằm, xôi trám Cao bằng còn được chọn là 1 trong 100 món đặc sản Việt Nam.
Để nấu được xôi trám, người ta sẽ chọn loại xôi nếp có vị ngọt bùi rồi mang đi rửa sạch với nước ấm. Sau đó trám sẽ được om từ 30 phút đến 1 tiếng với nước nóng già khoảng 70 độ C. Khi trám đã mềm, người nấu sẽ tách đôi quả trám để lấy phần cùi mang đi nấu với gạo nếp. Mặc dù là một nguyên liệu quen thuộc, thế nhưng để nấu được xôi trám ngon, người ta thường sử dụng loại gạo Bảo Lạc, đặc sản Cao Bằng. Xôi trám khi chín có màu hồng tím đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Tuỳ vào khẩu vị, người ta sẽ ăn xôi trám Cao Bằng cùng muối vừng hoặc lạp xưởng Cao Bằng.
Bên cạnh món bánh trứng kiến, người Tày ở Cao Bằng còn sử dụng trứng kiến để nấu ra một món ăn mang tên xôi trứng kiến. Sử dụng nguyên liệu chính là trứng kiến nên xôi trứng kiến thường được chế biến vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm vì đây là mùa kiến đen rừng sinh trưởng mạnh mẽ nhất. Cũng vì dùng nguyên liệu đặc biệt nênSau khi đã rửa trứng kiến với nước ấm, người ta sẽ mang chúng đi xào trong một chiếc chảo đã được phi thơm hành với mỡ gà và nêm nếm gia vị vừa ăn.
Loại gạo nếp dùng để nấu xôi trứng kiến cũng là gạo nếp nương nên vừa dẻo vừa thơm. Khi xôi chín, người đầu bếp sẽ nhanh tay xới cho tơi rồi trộn trứng kiến phi thơm vào trộn đều. Để món ăn hấp dẫn hơn, người ta cũng cho thêm vào một chút hành phi giòn rụm. Món xôi trứng kiến là sự kết hợp giữa hạt xôi nếp dẻo thơm và trứng kiến bùi bùi, béo ngậy. Đặc biệt, khi nhai trong miệng, bạn sẽ thấy tiếng trứng kiến nổ lách tách khá vui miệng.
Món xôi ngũ sắc là món xôi phổ biến ở nhiều tỉnh vùng cao Việt Nam. Xôi ngũ sắc cũng được chế biến nhiều nhất vào mỗi dịp Thanh Minh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Vì dùng những loại gạo nếp đặc sản của địa phương như gạo nếp Bảo Lạc, nếp Pì Pết ở Hoà An, nếp Ong… nên món xôi ngũ sắc Cao Bằng thường có hương vị khác biệt.
Món xôi ngũ sắc thường được làm những màu như trắng, vàng, đen, tím, hồng. Thay vì sử dụng màu thực phẩm, người Cao Bằng sẽ dùng các loại cây tự nhiên để nhuộm màu xôi. Ngoài màu trắng từ xôi nếp thì màu hồng, tím sẽ được lấy từ lá cẩm, màu vàng dùng hoa bjoóc phón, màu đen nhuộm từ lá cây sau sau.
Trong các màu sắc này thì màu đen tuyền làm từ lá cây sau sau là có cách chế biến phức tạp hơn cả. Đầu tiên, họ sẽ mang những lá sau sau bánh tẻ đi giã mịn, hoà cùng nước, nấu sôi rồi lọc lấy nước và ngâm cùng gạo nếp. Vì mỗi cây sau sau lại có một màu khác nhau nên để xôi có màu bắt mắt, hương vị thơm ngon thì người nấu phải có kinh nghiệm và sự khéo léo. Xôi ngũ sắc Cao Bằng được ăn cùng thịt quay, măng rừng nhồi trứng kiến hoặc chấm muối vừng.
Bình luận