Bánh trứng kiến, món đặc sản mỗi năm chỉ xuất hiện vài tháng ở Cao Bằng

Qiu Chen Đăng lúc: Chủ nhật, 25/07/2021 14:17 (GMT +7)
Bánh trứng kiến là một món ăn độc đáo của người Tày vùng Đông Bắc, đặc biệt khi đến Cao Bằng, bạn nhất định phải thưởng thức món đặc sản lạ tai, lạ miệng này.
Hashtag #Văn hóa ẩm thực #Tinh hoa ẩm thực #Ẩm thực việt nam #Đặc sản Việt Nam #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Cao Bằng không chỉ được biết đến với những đặc sản quen thuộc như phở chua, bánh cuốn nóng, vịt quay… mà còn có món bánh trứng kiến vô cùng đặc sắc mà chỉ đồng bào dân tộc khu vực miền núi phía Bắc mới có.

Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo được sáng tạo bởi người Tày  ở vùng núi Đông Bắc nước ta như Cao Bằng, Bắc Kạn. Với nguyên liệu chính là trứng kiến, loại bánh đặc sản này thường chỉ được làm vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm khi kiến đen rừng bước vào mùa sinh trưởng mạnh mẽ nhất. 

Ảnh: @macthanhbinh.
Ảnh: @macthanhbinh.

Bên cạnh phần trứng non của kiến đen rừng, bánh trứng kiến Cao Bằng còn có thêm phần bột nếp làm vỏ và lá non cây vả bọc ngoài. Mặc dù nguyên liệu và cách chế biến của bánh trứng kiến không quá cầu kỳ, thế nhưng để làm được những chiếc bánh trứng kiến ngon, “đạt chuẩn” thì người làm bánh phải thật khéo léo và tỉ mỉ.

Ảnh: @huyenbibii.
Ảnh: @huyenbibii.

Kiến rừng có rất nhiều loại, nhưng chỉ có trứng của kiến đen rừng với phần thân nâu, bụng đen, đuôi nhọn và có kích thước to gấp 4-5 lần loại kiến thường là có thể sử dụng để chế biến thức ăn. Loài kiến này hay làm tổ trên các loại cây rừng như găng, nứa hay vầu. Trứng kiến để làm bánh thường to bằng hạt gạo, có phần thân tròn mẩy và màu trắng sữa. Sau khi đã lấy được trứng kiến và đem đi làm sạch, người ta sẽ cho chúng vào xào cùng thịt lợn băm để phần nhân bánh có vị béo ngậy của trứng kiến và vị ngọt của thịt nạc.

Phần trứng kiến để làm bánh. Ảnh: Kiến Thức
Phần trứng kiến để làm bánh. Ảnh: Kiến Thức

Ngoài phần nhân bánh đặc biệt, bánh trứng kiến còn thu hút nhiều người nhờ vào phần vỏ bánh dẻo mịn. Gạo nếp nương sau khi chọn được những hạt to và dẻo, người ta sẽ đem đãi sạch và ngâm nước qua đêm. Khi đã ráo nước, gạo được đem đi xay thành bột rồi nhào với nước. Lúc này, phần bột không chỉ dẻo mà còn rất mịn này sẽ được cán mỏng thành những miếng vuông bằng bàn tay, dày nửa phân.

Ảnh: @huee_thiii.
Ảnh: @huee_thiii.

Lá vả dùng để bọc bên ngoài bánh trứng kiến thường chọn loại vừa phải, không được quá già cũng không quá non, sau khi đã được rửa sạch thì đem phần bột cán ốp vào lá vả và cho nhân, tiếp đó người ta sẽ gói để phần nhân không bị hở và rơi ra ngoài. Chiếc bánh sau khi hấp cách thuỷ từ 45 đến 50 phút là có thể đem ra ăn.

Bánh trứng kiến có thể ăn lúc nóng hoặc nguội tuỳ vào sở thích của mỗi người. Khi cắn một miếng bánh trứng kiến, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy và thơm ngon của phần nhân, mùi thơm và dẻo của lớp vỏ gạo nếp nương hay vị mềm mềm của lá vả.

Ảnh: @ngocanhngxx.
Ảnh: @ngocanhngxx.

Nếu có dịp đến thăm Cao Bằng khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức chiếc bánh đặc sản lạ miệng này nhé.

Phở chua Cao Bằng, món đặc sản gây thương nhớ của vùng Đông Bắc Cách làm bánh cuốn Cao Bằng ngon chuẩn vị ngay tại nhà Tới Cao Bằng nếm bánh cuốn ăn với nước xương, măng muối ngon quên lối về
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp