10 tips mua sắm "đồ secondhand" hiệu quả và tiết kiệm
- An Tê
- Đăng lúc: Thứ tư, 16/12/2020 15:41 (GMT +7)
Mua sắm quần áo cũ hay đồ secondhand là một trải nghiệm vô cùng thú vị với những người đam mê thời trang vintage.
Trong những năm gần đây, xu hướng mua quần áo cũ (hay còn gọi là hàng thùng, hàng seconhand,..) dần trở thành thói quen của nhiều tín đồ thời trang. Sở thích mua sắm này không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí mà còn là cơ hội tốt để bạn có thể tìm kiếm những trang phục độc - lạ, cá tính từ nhiều nước trên thế giới. Vì là hàng tuyển chọn nên hầu hết quần áo cũ đều là hàng độc nhất, số lượng có hạn, thậm chí một mẫu chỉ có một chiếc. Đây là 10 cách hướng dẫn sẽ giúp bạn có được buổi mua sắm ưng ý.
Xác định cửa hàng quần áo cũ
Hãy tìm kiếm và chọn ra cửa hàng có mức giá và trang phục mang phong cách thời trang phù hợp với bạn. Ngoài ra, một số cửa hàng còn có chính sách ưu đãi cho khách hàng thân thiết. Hãy lưu lại các cửa hàng đó vì họ thường sẽ gọi điện cho khách quen báo thời gian “bật kiện.
Nắm rõ thời điểm mua sắm
Nếu có mặt đúng vào thời điểm cửa hàng bật kiện, bạn sẽ có cơ hội nhanh tay chọn cho mình những món đồ đẹp nhất, độc đáo nhất, gọi là hàng nước 1.
Đừng để nhãn mác đánh lừa
Rất nhiều người thích mua đồ hàng thùng vì cho rằng đây là quần áo "xịn" nhập từ nước ngoài nên nếu may mắn thì có thể chọn được quần áo hàng hiệu cũ. Điều này không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Sự thật là lái buôn có rất nhiều thủ đoạn trà trộn hàng nhái để gia tăng lợi nhuận. Thậm chí, nhiều cửa hàng đồ cũ khâu thêm nhãn hàng hiệu vào để tăng giá quần áo cao lên nhiều lần. Vì vậy, khi đi mua hàng seconhand, bạn hãy tập trung chọn mua kiểu dáng hay chất liệu bạn thích, đừng quá quan tâm đến nhãn hiệu nếu không muốn sập bẫy gian dối.
Hãy biết chọn lọc
Nhiều người thường nghĩ rằng có thể giải quyết những vết rách, vết ố trên quần áo cũ. Tuy nhiên, việc mua quần áo cũ bị lỗi là khá mạo hiểm, tỷ lệ sửa thành công như ý muốn khá thấp. Ví dụ, bạn có thể dùng thuốc tẩy để xóa đi những vết bẩn nhưng vết mực hay vết ố lâu năm thì không. Vì vậy, hãy ghi nhớ rằng bạn sẽ chọn lọc thật kỹ trước khi chọn mua bất kỳ món đồ cũ nào. Đừng vì ham rẻ mà tha về một mớ quần áo không có khả năng sử dụng.
Liệt kê những món cần mua
Đi dạo giữa một khu chợ bạt ngàn quần áo cũ có thể khiến bạn bị choáng ngợp, vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn trong đầu một danh sách cần mua. Điều này giúp bạn lựa chọn có sự tập trung và nhanh chóng mua được thứ mà bạn thiếu. Tuy nhiên bạn cũng nên sẵn sàng mở lòng cho những bộ đồ thú vị xuất hiện tình cờ trước mắt.
Tính toán kĩ nếu phải sửa đồ
Quần áo cũ được nhập đa dạng dòng hàng nhưng với kích cỡ thì rất hạn chế, không phải món đồ nào cũng hợp với vóc dáng người Việt Nam. Vì vậy, chuyện phải mang đồ hàng thùng đi sửa khá phổ biến. Cho nên bạn cần cân nhắc món nào sửa đồ được món nào không và nắm rõ chi phí sửa đồ để cân đối chi tiêu, giúp bạn tiết kiệm được khoản tiền xứng đáng.
Ưu tiên chọn mua đồ có kiểu dáng đơn giản
Bạn không nên chọn những thiết kế quá lạc hậu, thay vào đó, hãy mua món đồ có kiểu dáng basic, dễ mặc và ít lỗi mốt theo thời gian. Bạn có thể chọn những chiếc áo phông hay váy liền có họa tiết nổi bật, khác lạ, nhưng hãy trung thành với kiểu dáng đơn giản. Không nên dành nhiều thời gian vào các kiểu váy xòe diêm dúa hay áo cut-out (cắt khoét) rách tả tơi.
Truy cập trực tuyến
Bạn không thể tìm thấy bộ quần áo yêu thích nào trong cửa hàng bán đồ cũ? Trong thời đại phát triển của mạng xã hội, việc trao đổi qua trực tuyến đã trở nên vô cùng dễ dàng. Bạn có thể tham gia ngay vào trang trực tuyến trao đổi và mua bán hàng cũ hoặc mua bán bằng các hình thức online.
Mua sắm thân thiện với môi trường
Mua quần áo cũ là một trong những cách bảo vệ môi trường, ủng hộ cho xu hướng thời trang bền vững. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu bạn sử dụng túi giấy, túi vải thay vì túi nhựa đựng hàng. Khi mua hàng qua kênh trực tuyến hoặc mua tại cửa hàng, bạn có thể yêu cầu bên bán đựng sản phẩm của bạn trong túi giấy, túi vải, hoặc bạn có thể trực tiếp mang túi đựng của mình đến mua tại cửa hàng.
Luôn giặt đồ ngay khi mua về
Có lẽ bạn cũng đã biết rõ về điều kiện bảo quản, vận chuyển và bày bán của các món đồ cũ. Thế nên, ngay khi mua về nhà, hãy cho “chiến lợi phẩm” của mình vào máy giặt ngay lập tức. Bạn nên giặt riêng quần áo cũ với các quần áo ở nhà để tránh chúng bị lây bẩn lẫn nhau.