29% học sinh Việt Nam bị rối loạn tâm thần, muốn tự tử
- Én
- Đăng lúc: Thứ tư, 25/11/2020 11:59 (GMT +7)
Nguyên nhân của những rối loạn tâm thần ở học sinh Việt Nam có lý do từ căng thẳng học tập, bất ổn trong môi trường học đường hay mâu thuẫn gia đình...
Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho một học sinh nữ 12 tuổi. Em không hợp bố mẹ mà chỉ có thể nói chuyện với anh trai. Kể từ khi anh trai đi du học, em rơi vào trạng thái trầm cảm, từng có ý tưởng tự sát.
Trước đó, khoa này cũng tiếp nhận một nữ sinh 14 tuổi, bị cô giáo phê bình vì làm việc riêng trong giờ học. Em này không đồng tình với lời phê bình của cô giáo. Được biết, bản thân gia đình em cũng có nhiều bất ổn. Khi bị gia đình yêu cầu làm bản kiểm điểm, em đã thắt cổ tự tử. Em được đưa đến viện muộn nên đã không thể cứu chữa.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên cho hay, trong nhóm khảo sát ở Việt Nam, khoảng 29% trẻ em và vị thành niên mắc rối loạn tâm thần, gồm các loại như rối loạn cảm xúc, rối loạn ứng xử...
Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành khảo sát với 834 học sinh sinh sống ở Hà Nội và 726 học sinh sống ở Hưng Yên. Kết quả như sau: 31,3% học sinh Hà Nội trầm cảm còn Hưng Yên là 18,6%; 42,6% học sinh Hà Nội lo âu còn Hưng Yên là 36,5%; 38,8% học sinh Hà Nội stress còn Hưng Yên là 21,8%.
TS Loan nhận định, học sinh thành thị có tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn các tỉnh, thành khác; học sinh nữ có tỷ lệ rối loạn cao hơn học sinh nam; học sinh trong gia đình có mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn hay bất hòa có tỷ lệ rối loạn cao hơn trong gia đình bình thường.
TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết, hiện các trường học mới chỉ có phòng tham vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ các vấn đề không quá phức tạp. Vì thế, TS Loan cho rằng, cần xây dựng một mạng lưới tâm lý học đường kết nối giữa nhà trường với các cơ sở y tế.
“Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của các em chứ đừng áp đặt tâm lý của người lớn lên trẻ em” - TS.BS Đỗ Minh Loan nhấn mạnh.