Ye Li (sống tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc) là mẹ của một bé gái 9 tuổi. Theo lời của Ye Li, con gái còn bận hơn cả cô. Bé gái bận hoàn thành những “nhiệm vụ” học tập như hàng triệu đứa trẻ khác đang làm.
Các giáo viên của con gái Ye nói cô bé có năng khiếu âm nhạc. Con đường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và bài bản sẽ mang lại cơ hội thành công cho bé. Hàng ngày bé tập đàn từ nửa tiếng cho tới 3 tiếng. Ngoài âm nhạc, con gái Ye còn tham gia các lớp tiếng Anh, võ thuật, đấu kiếm, mỹ thuật.
Ye Li luôn muốn con mình phải cố gắng một cách tốt nhất và trở thành học sinh hoàn hảo nhất. Ngoài những yêu cầu học tập phát triển toàn diện các kỹ năng, Ye Li yêu cầu con gái phải hoàn thành các bài học đúng thời gian quy định và có điểm số tốt nhất.
Con gái Ye đã đạt giải nhất của một cuộc thi đàn trong nước gần đây. Tuy nhiên, đối mặt với tương lai là những thách thức và áp lực càng lớn hơn nữa. Khi cô bé trở nên giỏi hơn, bé sẽ tiếp xúc với cuộc thi có quy mô lớn hơn và đương đầu với những đối thủ ngày càng mạnh hơn. Ye Li muốn bé tham gia cuộc thi quốc tế, cô bắt đầu tìm kiếm giáo viên giỏi hơn và tạo áp lực luyện tập lớn hơn cho con gái. Ngoài những cuộc thi nối tiếp nhau, con gái Ye Li phải cố gắng tham gia kỳ thi vào Nhạc viện Trung ương, mỗi năm chỉ lấy 2 chỉ tiêu đối với bộ môn phong cầm mà bé theo học.
Những áp lực lớn khiến quan hệ của Ye Li và con gái thường xuyên xảy ra căng thẳng. Cô bé ngủ ít hơn những đứa trẻ khác do khối lượng “nhiệm vụ” quá nhiều và thường khóc vài lần trong một tháng. Chồng của Ye Li và ông bà có ý kiến nhưng Ye Li rất kiên quyết với con đường cô đã chọn cho con gái. Do những áp lực, không khí trong nhà luôn căng thẳng.
Không riêng mình Ye Li, cô nói đã gặp được rất nhiều phụ huynh khác cũng có suy nghĩ giống mình.
Trần Thuỳ Trang (sống tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) cho biết em đã nghĩ đến chuyện tự tử vì gánh nặng học hành năm lớp 12.
Trang tâm sự: “Em bị đau đầu thường xuyên, đau vai gáy, cổ. Hệ tiêu hóa cũng có vấn đề. Em phải dùng thuốc điều trị trầm cảm, những cơn đau mới đỡ. Có hôm đang học, gặp những bài không giải được, em lo sợ nếu không tìm ra đáp số, ngày mai thầy gọi lên bảng là chết. Lúc đó, tay em bắt đầu run, toát mồ hôi, và khóc. Em nằm trên giường, không có động lực làm gì. Em ôm mẹ và hỏi rằng bao giờ mình mới qua được giai đoạn khủng hoảng này. Nó áp lực lắm”.
Áp lực của Trang không hoàn toàn đến từ kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Những gánh nặng từ bạn bè, thầy cô, trường lớp, xã hội đè nặng khiến cha mẹ không thể bảo vệ con của mình. Nhiều phụ huynh cho rằng, các bạn cùng lứa làm được, xã hội làm được, áp lực học tập và thi cử là con đường tốt nhất cho con em mình.
Năm 2016, Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tự tử vì áp lực học tập cao nhất trên thế giới, cứ 55 phút lại có một trẻ em tự tử vì áp lực học tập. Năm 2017, Hàn Quốc trở thành quốc gia đối mặt với nguy cơ có tỷ lệ tự tử vì áp lực học của trẻ em cao nhất thế giới. Tại Nhật Bản, tình hình không khá hơn khi tỷ lệ tự tử ở học sinh luôn ở ngưỡng ngang bằng với Hàn Quốc.
Người Châu Á thường có quan điểm coi trọng việc học tập qua các trường lớp, lò luyện và bằng cấp. Những đứa trẻ Châu Á mang nặng áp lực trong suốt 12 năm học tập bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Các em học sinh dùng mạng sống để học vì một tương lai bước chân vào cổng trường đại học danh giá, tăng cơ hội tuyển dụng sau đại học. Bên cạnh những trường hợp tự tử nghiêm trọng, trường hợp trẻ em bị rối loạn tâm thần và trầm cảm đã trở thành chuyện phổ biến ngày nay.
Các chuyên gia chỉ ra rằng năng lực học tập và thế mạnh của mỗi đứa trẻ luôn khác biệt nhau. Cha mẹ cần bảo vệ con cái của mình khỏi những gánh nặng xã hội đặt lên tuổi thơ của con. Trẻ em nên được bồi dưỡng dựa trên năng lực thực tế. Các em cần phát triển các kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong quá trình trưởng thành và được học tập theo thế mạnh của bản thân.
Bình luận