5 món cơm ngon nổi tiếng, nghe tên là biết đặc sản Việt Nam
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ năm, 20/05/2021 22:25 (GMT +7)
Dọc theo mảnh đất hình chữ S, du khách sẽ được trải nghiệm những món cơm ngon với nhiều nguyên liệu, chế biến khác nhau, mang đến hương vị đặc trưng riêng biệt.
1. Cơm tấm Sài Gòn
Nếu như Hà Nội nổi tiếng với phở hay bún đậu mắm tôm thì người dân Sài Gòn lại vô cùng tự hào về món cơm tấm giản dị. Món ăn này từng được coi là món ăn dành cho tầng lớp lao động, không có điều kiện kinh tế, tuy nhiên, giờ đây cơm tấm đã trở thành đặc sản và nổi tiếng khắp cả nước. Không khó để có thể tìm thấy một quán cơm tấm nhưng đối với các tín đồ ẩm thực, phải ngồi ăn ở một quán vỉa hè giữa thành phố sầm uất mới cảm nhận được đúng "chất" của món cơm này.
Cơm tấm Sài Gòn có khá nhiều loại nhưng được ưa chuộng nhất là cơm tấm sườn bì chả. Miếng sườn được nướng đậm đà, chả trứng thơm ngon, bì giòn dai ăn kèm với một chút dưa chua ngọt. Ngoài ra, tùy theo sở thích, bạn có thể gọi thêm trứng ốp la, trứng hấp hoặc thịt gà chiên. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì ăn cơm tấm vẫn phải có một chén nước mắm chua ngọt và mỡ hành thơm lừng thì món cơm mới được coi là tròn vị.
2. Cơm gà Hội An
Một trong những món cơm nổi tiếng, được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, chính là cơm gà Hội An. Thông thường, người ta sẽ chọn những con gà tơ, được nuôi thả tự nhiên để thịt có độ ngọt, dai tự nhiên. Sau khi được luộc chín, thịt gà sẽ được xé phay rồi trộn cùng muối, hành tây, rau răm và chanh ớt để tạo vị chua cay mặn ngọt, ăn kèm với cơm không bị ngán.
Gạo dùng để nấu cơm phải là loại gạo dẻo, được nấu cùng nước dùng gà, nước nghệ và lá dứa. Nhờ đó mà hạt cơm đều, vàng óng đẹp mắt và có hương thơm thoang thoảng. Nếu có dịp du lịch Hội An, bạn có thể ghé cơm gà Bà Buội, cơm gà Ty, cơm gà Xí... để thưởng thức món ăn này.
3. Cơm lam Tây Nguyên
Trước đây, cơm lam chỉ có tại một số buôn làng mà người Ê-đê sinh sống như: Đắk Lắk, Buôn Đôn... Tuy nhiên, giờ đây món cơm này đã có mặt tại các tỉnh Tây Nguyên và trở thành đặc sản riêng biệt cho nền ẩm thực núi rừng. Cách thức nấu cơm lam ở mỗi vùng sẽ có sự khác biệt đôi chút các chế biến, nhưng đều có điểm chung là được nấu trong ống tre, ống nứa còn tươi và sử dụng gạo nếp nương có độ mềm dẻo.
Nếu như cơm lam ở vùng Tây Bắc thường được chấm cùng muối vừng, ăn kèm với thịt heo hoặc thịt gà nướng thì cơm lam Tây Nguyên lại thường chấm cùng muối lé é ớt xanh. Khi thưởng thức lần đầu, người ta sẽ thấy hơi lạ lẫm đôi chút nhưng thử thêm 2, 3 lần nữa thì cứ muốn ăn mãi chẳng ngừng.
4. Cơm cháy Ninh Bình
Vùng đất Ninh Bình có nhiều món ăn đặc sản, nổi bật nhất là thịt dê và cơm cháy. Tuy đơn giản nhưng món cơm này luôn được lòng du khách, từ người già đến trẻ nhỏ đều yêu thích. Phần cơm cháy sau khi lấy ra khỏi nồi gang sẽ được sấy khô, cho vào chảo và rán vàng để có độ giòn xốp.
Điểm đặc biệt nhất của món ăn này là phần nước sốt độc đáo. Thông thường phần sốt sẽ bao gồm gồm thịt, tim, cật, nấm, cà rốt, hành tây và một số gia vị khác để tạo vị cay và độ sánh mịn. Khi ăn, bạn có thể chấm cơm cháy vào phần nước sốt hoặc rưới lên trên đều được. Món ăn vừa đậm đà ngon miệng, vừa đủ chất dinh dưỡng khiến ai ăn một lần cũng đều nhớ mãi.
5. Cơm hến Huế
Xứ Huế mộng mơ được biết đến như một nơi có nền ẩm thực văn hóa độc đáo, nổi bật nhất là cơm hến - món đặc sản mà bất cứ du khách nào cũng đều phải thử ít nhất một lần. Nguyên liệu chính để làm nên đặc sản này rất đơn giản, gồm có cơm và hến. Nhưng chuẩn vị thì người ta phải dùng hến được bắt tại cồn Hến, cơm phải dùng cơm trắng để nguội.
Sau đó, đầu bếp sẽ trộn phần cơm trắng với hến xào qua dầu ăn, gia vị, hành phi, khế chua, tóp mỡ, rau thơm, đậu phộng rang, da heo chiên giòn và ớt sừng. Cuối cùng, không thể thiếu một ít mắm ruốc giúp món ăn dậy mùi thơm. Tất cả những nguyên liệu hòa quyện với nhau tạo nên một món ăn dân dã đậm chất Huế, có vị ngon ngọt, béo bùi, cay cay mà thanh mát, hấp dẫn đến lạ.