Bún qua cầu Vân Nam, món ăn cầu kỳ, thấm đượm tình nghĩa vợ chồng

Không chỉ nổi tiếng nhờ đẹp mắt, ngon miệng, bún qua cầu Vân Nam còn là món ăn tượng trưng cho tình nghĩa phu thê sâu nặng của ẩm thực Trung Hoa.

Hashtag: Ẩm thực người Hoa Ẩm thực thế giới Văn hóa ẩm thực Tinh hoa ẩm thực

Vân Nam là một tỉnh cực Tây Nam, Trung Quốc và giáp với biên giới Lào Cai, Hà Giang của Việt Nam. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi tuyết Ngọc Long, Lệ Giang, thành cổ Đại Lý… nơi đây còn được biết đến nhờ nền ẩm thực khá đa dạng và phong phú.

Bún qua cầu Vân Nam (过桥米线) là một trong những món ăn hấp dẫn mà bất kì khách du lịch nào cũng muốn thưởng thức khi có cơ hội ghé thăm mảnh đất này.

Ảnh: @joshwand.

Nguồn gốc bún qua cầu Vân Nam

Món bún qua cầu này đã có lịch sử hơn 100 năm và được bắt nguồn từ huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam. Theo đó, vào thời nhà Thanh ở Mông Tự, Vân Nam có một đôi vợ chồng trẻ sống với nhau rất hạnh phúc. Tuy nhiên người chồng lại chỉ mải mê vui chơi mà không lo học hành chăm chỉ. Người vợ thấy vậy thì rất buồn phiền và than thở nếu chồng không tu chí học hành thì sau này mẹ con cô sẽ phải tủi thân vì thua kém người ta. Thấy vậy, chồng cô liền chuyển ra một hòn đảo nhỏ giữa hồ để có không gian yên tĩnh, chú tâm học hành.

Ảnh: @lvxingdepishen.
Ảnh: @lvxingdepishen.

Người vợ hàng ngày đều mang cơm ra đảo cho chồng ăn lấy sức dùi mài kinh sử. Thế nhưng để đến được đây,cô phải băng qua một cây cầu dài và khi đến nơi thì cơm canh đều đã nguội. Vì đồ ăn không còn ngon miệng nên người chồng ngày càng ăn ít và bắt đầu sinh bệnh, ốm yếu hơn. Nhìn cảnh này người vợ vô cùng đau lòng và bắt đầu nghĩ cách để đồ ăn khi đi qua cầu vẫn giữ được độ nóng, giúp chồng cô có thể ăn ngon miệng hơn. 

Ảnh: @chilliesue.

Trong một lần nấu ăn, người vợ tình cờ phát hiện ra nước dùng sẽ nóng lâu hơn nếu được phủ một lớp mỡ gà trên mặt. Cô bèn thay đổi cách nấu ăn hàng ngày, đầu tiên sẽ là hầm thịt gà và xương ống để lấy nước dùng. Bún được đem đi trần qua, còn các nguyên liệu khác như rau, thịt… thì được xào chín và để riêng từng đĩa. Khi ăn sẽ cho bún và các nguyên liệu chuẩn bị sẵn vào nước dùng, nhờ vậy mà người chồng vẫn được thưởng thức một món bún nóng hổi, hấp dẫn.

Về sau, phương pháp này được nhiều người làm theo và lan truyền khắp nơi. Vì lên đảo cần đi qua một cây cầu và nhớ đến người vợ đảm đang nên món bún sau đó được gọi bằng cái tên bún qua cầu như hiện nay.

Bún qua cầu Vân Nam – món bún cầu kỳ trong chế biến lẫn thưởng thức

Có thể nói, phần đặc biệt nhất của bún qua cầu Vân Nam nằm ở nước dùng phủ mỡ gà nóng hổi. Các topping ăn kèm bún cũng khá da dạng, tuỳ vào sở thích mà người ta có thể cho vào thịt gà, thịt heo muối, trứng cút, tôm, cá hồi… các nguyên liệu này đều phải xắt mỏng và có lượng vừa phải để không làm mất đi vị đặc trưng của nước dùng. 

Ảnh: @shirleeeeyj.
Ảnh: @gilberttwu.

Để có được một bát nước dùng có lớp mỡ gà béo ngậy nhưng không bị ngấy, người đầu bếp sẽ phải ninh gà già và xương ống trong vòng 5 đên 6 giờ đồng hồ. Khi thưởng thức bún qua cầu Vân Nam, thực khách cũng cần phải chú ý đến trình tự cho nguyên liệu vào bát.

Đầu tiên, bạn cần cho trứng vào bát nước dùng rồi mới từ từ thả thêm thịt, khi thịt chín thì bỏ thêm vào nấm và các loại rau. Bún là nguyên liệu cuối cùng được đặt vào bát và thưởng thức. Sau khi trộn đều các nguyên liệu vài lần, bạn sẽ có được một bát bún nóng hổi, vừa có vị béo ngậy của lớp mỡ gà lại có vị thơm ngọt từ các nguyên liệu khác như thịt, nấm, trứng…

Ảnh: @fernwehfoodiefriends.

Không chỉ là một món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng, bún qua cầu Vân Nam còn chứa đựng một câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng sâu nặng. Nếu có dịp ghé thăm Vân Nam, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ngon này tại khắp nơi, từ những nhà hàng sang trọng cho tới các quán ăn nhỏ ven đường. Tuy nhiên một phần bún qua cầu Vân Nam khá nhiều, vậy nên bạn chỉ cần gọi một phần cho hai người ăn thôi nhé.

Bài liên quan

News feed