Trứng bắc thảo có thể được ngâm bằng nhiều cách, nhưng phổ biến là ngâm vào dung dịch gồm vôi, tro gỗ, muối và trà đen đặc trong thơi gian khá dài. Trứng sau khi ngâm thường có màu xanh đen hoặc nâu sẫm và lòng trắng trong suốt như thạch.
Ngoài cách gọi trứng bắc thảo, trứng bách thảo hay bách nhật trứng… của người Trung Quốc, loại trứng này còn được người phương Tây đặt cho cái tên trứng trăm năm hay trứng ngàn năm.
Trứng bắc thảo được cho ra đời vào thời Minh ở Trung Quốc. Câu chuyện liên quan đến sự ra đời của trứng bắc thảo như sau:
Ở tỉnh Hồ Nam, một lão nông đã tình cờ phát hiện ra nhiều trứng gà trứng vịt bị vùi lâu ngày trong bùn và vôi tôi. Thay vì bỏ đi thì người nông dân này lại bóc ra nếm thử và thấy chúng không chỉ có màu sắc kỳ lạ mà hương vị cũng khá lạ miệng. Sau này, khi tự làm những quả trứng cho bản thân, người nông dân đã nghĩ ra cách thêm trà và muối để quả trứng đậm đà và thơm ngon hơn.
Để làm trứng bắc thảo, bạn có thể chọn trứng gà, trứng vịt hay những quả trứng cút. Chỉ cần đem những quả trứng ngâm vào dung dịch gồm vôi, tro gỗ, muối và trà đen đặc từ 7 tuần đến khoảng 5 tháng, bạn sẽ có được món quả trứng bắc thảo “đạt chuẩn”.
Những quả trứng sau khi ngâm thường có phần lòng trắng trong suốt như thạch và có màu xanh lá cây, nâu sẫm hoặc xám đậm. Còn phần lòng đỏ có màu đen, vàng xanh và khi ăn thường khá mềm.
Tuy có màu sắc lạ mắt và hương vị khá ngậy, ngon miệng, thế nhưng trứng bắc thảo thường có mùi khá hăng nồng. Nếu không vượt qua được “trở ngại” này, bạn sẽ không dám thử và cảm nhận được hương vị hấp dẫn từ món trứng độc đáo này.
Ngoài cách bóc vỏ ăn ngay, trứng bắc thảo còn được chế biến bằng nhiều cách khác nhau. Loại trứng này có thể được sử dụng như một món ăn khai vị với nhiều loại món phụ ăn kèm. Nếu như người Quảng Đông thường sử dụng những lát gừng xắt mỏng để bọc quanh các miếng trứng bắc thảo thì người Thượng Hải lại băm và trộn chúng cùng đậu phụ.
Tại một vài vùng miền Bắc Trung Quốc, người ta sẽ lấy đậu phụ lạnh phủ lên bề mặt trứng, sau đó thêm gừng non thái sợi, hành băm nhừ, rưới nước sốt đậu nành hoặc dầu mè và thưởng thức. Bên cạnh đó, trứng bắc thảo còn được sử dụng để ăn kèm cháo trắng, mì, soup cua …
Theo nhiều nghiên cứu, lòng trắng trứng bắc thảo sau khi chuyển sang dạng thạch thì chứa khá nhiều khoáng chất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt loại trứng này phù hợp với những ngừoi đang ăn kiêng vì có thể giúp giảm mỡ, tăng quá trình chuyển hoá nhiệt lượng. Ngoài ra thì trứng bắc thảo còn có tác dụng kích thích tiêu hoá, cầm máu, giải nhiệt, giải rượu hay nhuận phế…
Mặc dù trứng bắc thảo ngày nay đã vượt khỏi ranh giới Trung Quốc và xuất hiện trong nhiều món ăn ở Thái Lan hay Việt Nam, thế nhưng nếu có dịp ghé thăm đất nước tỉ dân Trung Quốc, bạn nhất định phải thưởng thức thử món ăn chơi này tại chính quê hương của nó nhé.
Bình luận