Cách người dân Nhật Bản ứng phó với lũ lụt
- IG
- Đăng lúc: Thứ tư, 21/10/2020 09:40 (GMT +7)
Nhật Bản là quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai với hơn 20 cơn bão mỗi năm, bởi vậy mà người dân nước này có nhiều kinh nghiệm tự vệ, ứng phó với bão lũ.
Nhật Bản coi quản lý thiên tai là vấn đề có thể được giải quyết bằng kỹ thuật.
Sau một trận bão kinh hoàng cuối những năm 1950 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, chính phủ Nhật đã bắt tay vào hàng loạt dự án công trình công cộng nhằm "thuần hóa" các con sông. Đê và đập mọc lên dọc hầu hết mọi con sông.
Các dự án này đã phát huy được tác dụng và cứu được vô số mạng người. Tuy vậy, chúng dần không đủ để đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, sự có mặt của các dự án khiến cho người dân lưỡng lự đi sơ tán vì nghĩ rằng có một hệ thống đang bảo vệ mình.
Đến năm 2017, chính phủ Nhật Bản thông qua bản sửa đổi của luật kiểm soát lũ lụt và sông ngòi nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế và người do tình trạng thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nỗ lực đưa số người chết do từ chối sơ tán xuống bằng 0. Những thay đổi này buộc các chính quyền địa phương điều chỉnh cách chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Thậm chí việc lên kế hoạch dự báo bão cho 1.000 năm cũng đã được tính đến.
Đa số các thành phố của Nhật Bản đều có những bản đồ thể hiện chi tiết vùng dễ ngập nước, có nguy cơ sạt lở để người dân sơ tán. Mọi người có thể tìm thấy bản đồ này ở trên mạng. Trong các trường hợp khẩn cấp, trung tâm sơ tán sẽ ở trong các trường học công và trung tâm cộng đồng.
Chính quyền có thể cảnh báo tình trạng bão lũ tới điện thoại của người dân. Ngoài ra, trang web của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng chứa những thông tin và cảnh báo cơ bản.
Tại Nhật, có hai loại cảnh báo sơ tán chính là "lệnh sơ tán" và "khuyến cáo sơ tán". Lệnh sơ tán có nghĩa người dân bắt buộc phải rời khỏi vùng bị ảnh hưởng và tìm đến địa điểm sơ tán được chỉ định. Với khuyến cáo sơ tán, người dân có quyền từ chối đi nếu cảm thấy vẫn an toàn.
Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo bão nói riêng và cảnh báo thiên tai nói chung của Nhật dù có hiện đại tới đâu, vẫn có những cơn bão hay những trận động đất nằm ngoài mọi dự tính. Và nỗ lực đưa người chết do thiên tai về 0 là điểu mà hệ thống kỹ thuật quản lý thiên tai của đất nước này vẫn chưa thể đạt được.
Gần đây nhất, trận bão năm 2017 đã cướp đi tính mạng của 225 người Nhật Bản.
Thế nhưng, một thực tế là, người dân Nhật có tâm thế chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và bão lũ nói riêng.
Trước mỗi cơn bão, người dân Nhật luôn tích trữ lương thực và nước sạch. Họ mua nước đóng chai, đồ ăn liền không cần chế biến, bánh kẹo. Họ cũng tích trữ nước sạch đủ dùng trong 3-4 ngày bằng cách xả đầy bồn tắm, các vật dụng có thể chứa được nước. Ngoài ra đèn pin, bếp ga du lịch, áo phao cá nhân là những thứ mà gia đình nào cũng có trong kho.
Một năm Nhật Bản đón hơn 20 cơn bão, dân số già, rất nhiều hộ dân ở Nhật là các cặp vợ chồng già neo đơn, do đó người dân càng chuẩn bị kỹ lưỡng. Bơi lội là kỹ năng mà người già đến trẻ nhỏ ở Nhật đều thành thạo.
Người dân còn thường xuyên chú ý các tín hiệu cảnh báo và luôn ghi nhớ điều đó. Họ ý thức an toàn rất cao và không coi thường những cảnh báo được gửi đi trước khi hiểm họa xuất hiện.
Một số hình ảnh khác về mưa lũ ở Nhật: