Đã tìm ra cách diệt virus sốt xuất huyết
- Én
- Đăng lúc: Thứ năm, 15/10/2020 10:03 (GMT +7)
Các nhà khoa học Australia và Indonesia đã tiêm vi khuẩn Wolbachia vào cơ thể muỗi vằn nhằm cản trở khả năng truyền virus sốt xuất huyết.
Thông qua Chương trình Chống muỗi Thế giới (WMP), các nhà khoa học từ Đại học Monash, Australia và Indonesia đã tiêm vào muỗi vằn Aedes aegypti - loài chính truyền bệnh sốt xuất huyết cho con người - một loại vi khuẩn có tên Wolbachia. Vi khuẩn này cản trở khả năng truyền virus của côn trùng, bao gồm virus Dengue gây sốt xuất huyết, mà không ngăn chặn quần thể muỗi hay có ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Sau đó, các nhà khoa học đã thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào 12 khu vực của thành phố Yogyakarta trong vòng 7 tháng. Những con muỗi này lây nhiễm vi khuẩn cho quần thể muỗi địa phương.
Quá trình thử nghiệm này kéo dài suốt ba năm, kết quả vừa được công bố trong tháng 8 vừa rồi.
Theo đó, các nhà khoa học cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố Yogyakarta, nơi cuộc thử nghiệm diễn ra, đã giảm đáng kể so với những khu vực chỉ áp dụng biện pháp thông thường như phun thuốc, phát quang, loại bỏ ao tù nước đọng...
Cụ thể, sau hai năm thực nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã giảm 77% tại các vùng thả muỗi Wolbachia.
Thử nghiệm do WMP thực hiện có quy mô lớn nhất về sốt xuất huyết cho đến nay.
Tại Việt Nam, từ năm 2013 muỗi mang vi khuẩn Wolbachia cũng được thả ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang, phục vụ dự án nghiên cứu tiêu diệt mầm bệnh sốt xuất huyết. Tháng 6 năm nay, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tiếp tục được thả ở 15 phường tại Nha Trang. Dự án đến nay đang trong quá trình nghiên cứu.
Who cho biết tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 1,2 triệu ca năm 2010 lên 4,2 triệu ca năm 2019. Tổ chức cho biết khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.