Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Có hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu nhất là do Aedes aegypti gây dịch bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, đặc biệt là vào tháng 6 – 10 hàng năm.
Vi-rút Dengue này có 4 chủng huyết thanh là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue được biểu hiện với các triệu chứng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng... Sốt xuất huyết không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận các ổ dịch, ca mới mắc sốt xuất huyết. Đáng chú ý đã có 2 ca tử vong liên quan đến bệnh này.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết: “Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự kiến con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa”.
TS Nguyễn Văn Lâm cho biết trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong. Thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này.
Sốt xuất huyết ở giai đoạn ban đầu trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau người, mệt mỏi… Khoảng 2-3 ngày sau trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt cao, ban xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức, trong những trường hợp nặng có thể bị sốc do mất dịch.
Theo TS Lâm, giai đoạn đầu sốt xuất huyết rất dễ nhầm với các bệnh khác. Vì thế cần phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo của trẻ. Khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo tiểu ít, mệt mỏi, kém ăn, nặng hơn là xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, thậm chí xuất huyết tiêu hóa, có thể rối loạn ý thức, lơ mơ, ngủ gà, thậm chí li bì, hôn mê, cần ngay lập tức đưa trẻ tới viện.
Khi trẻ bị sốt xuất huyết phải có biện pháp chăm sóc hợp lý như hạ sốt, cho nằm nơi thoáng mát, chế độ ăn hợp vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm trẻ có sức khỏe chống lại bệnh tật.
TS Lâm cũng hết sức lưu ý đối với các bậc phụ huynh đó là việc hạ sốt cho trẻ. Khi trẻ bị sốt xuất huyết chỉ dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ, tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen để hạ sốt.
Sốt xuất huyết có thể trở nặng đột ngột, cần phải đưa bệnh nhân đến viện để được thăm khám và xử trí kịp thời:
- Tổng trạng bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì
- Nôn tăng lên về số lần và lượng dịch nôn.
- Đau bụng hoặc tăng dần cảm giác đau
- Đi tiểu ít
- Xuất hiện chảy máu bất kỳ vị trí nào: chân răng, máu cam...
Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu sốt xuất huyết nặng đó là: phù nề và tràn dịch, gan to, tiểu cầu giảm.
Bên cạnh đó, việc bù dịch là quan trong nhưng phải bù dịch đúng cách. Trường hợp trẻ bị nôn khi bù dịch bằng đường uống thì cần phải truyền, nhưng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Bình luận