Người dân ở Quảng Trị tự kéo sập nhà để tránh bị lũ cuốn trôi
- Én
- Đăng lúc: Thứ hai, 26/10/2020 14:39 (GMT +7)
"Mình tự kéo sập nhà để cứu lại ít gỗ, xây cái lều ở tạm. Để hắn trôi theo suối là mất hết", người đàn ông ở gần suối chua xót nói.
Xã Húc ở huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị dứt mưa được 3 ngày nay. Trận lũ kinh hoàng ngày 17-18/10 đã cuốn sập cây cầu dẫn vào xã, làm con đường độc đạo sạt lở hàng chục điểm khiến các đoàn từ thiện không thể nào tiếp cận được. Người dân phải đi bộ gần 10km để ra nhận hàng hóa cứu tế.
Người già ở xã Húc bảo nhau rằng lũ chưa năm nào lớn đến thế và sạt lở chưa khi nào kinh hoàng như thế. Họ sinh ra ở đồi núi, gắn bó với đồi núi suốt bao đời nhưng kinh nghiệm sinh tồn đang trở nên lạc hậu trước những biến đổi cực đoan của thời tiết.
Đi sâu vào thôn Tà Rùng, nơi những vạt đồi vỡ toang thành khe suối, có một gia đình hơn 10 người ngồi quây bên bếp lửa. Không ai đi nhận hàng tiếp tế. Họ có 6 người thân vừa chết do sạt lở đất.
"Nếu người chết là con gái thì 4 ngày, con trai thì 6 ngày. Những người ruột thịt không được đi xa khỏi nhà trong từng đó thời gian kể từ khi kết thúc việc an táng", ông Hồ Văn Ui giải thích về phong tục của đồng bào mình.
Người Bru Vân Kiều từ bao đời đã sống bám vào các mạch nước chảy xuống từ sườn núi. Họ không biết rằng sau những ngày mưa kỷ lục, các khe nước chính là nơi nguy hiểm nhất. Dòng nước tụ về với lưu lượng quá lớn có thể kéo sập cả vạt đồi.
Không bị đất đá từ trên cao đổ xuống, gia đình anh Hồ Văn Phể vẫn mất căn nhà.
Đêm 17/10, con suối La La phía sau nhà anh bỗng dâng lên dữ dội, "nuốt chửng" nhiều ruộng lúa 2 bên bờ. Dòng chảy thốc thẳng vào vách taluy âm, gây ra hàng loạt vụ sạt lở. 3h ngày 18/10, căn bếp cùng 200 m2 đất thổ cư của gia đình anh Phể trôi tuột xuống lòng suối.
Cả gia đình bật dậy, ôm vội những vật dụng có giá trị rồi chạy thoát khỏi gian nhà chính đang lung lay. Chủ nhà biết không thể cứu vãn được. Anh buộc dây thừng vào các cột nhà rồi nhờ thêm hàng xóm đến kéo. Cả cơ ngơi bị giật sập trước sự xót xa của gia đình anh.
Anh Hồ Văn Thuần đi hết 10 km đường đất mới đưa được 20 kg gạo về nhà. Ở thôn Tà Rùng của anh, người dân đã qua cơn đói. Họ không còn quan tâm đến mỳ tôm hay kẹo bánh, nhưng gạo phải cố xin càng nhiều càng tốt.
Gạo là thứ lương thực lâu dài và chính yếu của bà con Bru Vân Kiều. Có gạo là sống. Người dân ở đây không than thở về những bữa cơm không có thịt, vì ăn cơm với muối hoặc nước mắm đã thành quen. "Đến kỳ thu hoạch sắn thì mới dám mua con vịt. Mình ăn khổ quen rồi", anh Thuần nói.