Động vật có thể uống được nước biển, tại sao con người lại không?
- Dung Hạnh
- Đăng lúc: Thứ tư, 29/06/2022 17:46 (GMT +7)
Bề mặt Trái đất chứa 71% là nước, nhưng chỉ có 3,5% là nước có thể uống được. Vậy tại sao con người không thể uống được nước biển?
Nước vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Hơn 96% chất lỏng trên hành tinh là nước biển, thế nhưng con người không thể uống được nước biển. Nhưng nếu nước biển vẫn là nước, tại sao chúng ta không uống được?
Câu trả lời cho câu hỏi đó thực sự khá đơn giản: Nước biển đơn giản là quá mặn. Vì thế thận của chúng ta không thể xử lý được.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), khoảng 3,5% trọng lượng nước biển đến từ muối hòa tan. NOAA cho biết, nếu tất cả muối trong các đại dương bị loại bỏ và đặt lên bề mặt phẳng trên Trái đất, thì lớp muối này sẽ cao hơn 166 mét trên mặt biển.
Rob DeSalle, người phụ trách Viện nghiên cứu gen so sánh Sackler tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, cho biết: Độ mặn của nước biển quá cao đối với thận con người để xử lý một cách an toàn, vì tế bào của chúng ta cần nước "ở dạng tương đối tinh khiết".
DeSalle nói với Live Science rằng: “Đối với hầu hết các loài động vật, thận lọc các tạp chất ra khỏi nước. Điều này cũng xảy ra khi bạn uống nước muối, tức là bạn đã ăn vào rất nhiều muối, khiến cơ thể bây giờ cần phải loại bỏ ra ngoài ngay."
Cơ thể thực hiện điều này dưới dạng nước tiểu, mà thận tạo ra bằng cách hòa tan các tạp chất trong nước dư thừa, sau đó được đưa đến bàng quang để loại bỏ. Theo NOAA, thận chỉ có thể tạo ra nước tiểu nhạt màu hơn máu của chúng ta và nước biển chứa gấp ba lần muối có trong máu người. Điều này có nghĩa là đối với mỗi cốc nước muối bạn uống, bạn cần uống thêm ít nhất cùng một lượng nước thừa ra để thận đào thải hết lượng muối đó ra ngoài.
DeSalle nói: “Bạn có thể hỏi tại sao không uống thêm nước muối? Nhưng sau đó cơ thể sẽ còn lại nhiều muối hơn và bạn phải đào thải chúng với nhiều nước hơn. Vì vậy, nước biển không bao giờ có thể làm dịu cơn khát của bạn - nó chỉ có thể khiến bạn khát hơn."
Một số loài động vật có thể uống được nước biển, vậy tại sao chúng ta lại không thể?
Tuy nhiên, một số loài động vật trong hệ sinh thái đại dương có thể uống được nước biển mà không hề nguy hiểm gì. Ví dụ, các loài chim biển như chim hải âu, mòng biển và chim cánh cụt có thể sống hàng tuần ngoài biển khơi mà không có nước ngọt, bởi vì chúng có các tuyến và rãnh muối chuyên biệt trong mỏ để lọc và loại bỏ muối dư thừa từ nước trước khi đi vào dạ dày và hấp thụ vào trong máu. Các loài động vật biển có vú như cá voi, cá heo và hải cẩu cũng đã tiến hóa để thích nghi với cuộc sống trong môi trường khan hiếm hoặc không có nước ngọt.
DeSalle cho biết: “Các loài động vật có vú ở biển đã thích nghi với các enzym và cấu trúc tế bào đặc biệt cho phép chúng loại bỏ lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể. Giống như chúng có siêu thận vậy."
Vậy tại sao chúng ta lại không? Tại sao con người và gần như tất cả các loài động vật trên cạn khác lại chỉ có thể uống nước ngọt trong khi nước biển dồi dào hơn rất nhiều?
Khi các loài động vật xuất hiện từ các vùng biển cổ đại hàng trăm triệu năm trước, chúng đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống trên cạn. Một số loài còn di chuyển khỏi môi trường sống ven biển - nơi có nhiều nước mặn. Ở các loài vật trên cạn, bao gồm cả tổ tiên linh trưởng của chúng ta, cũng đã đến cư trú trong các hệ sinh thái nội địa có nhiều nước ngọt trong các hồ và sông. Điều này dẫn đến khả năng hình thành sự thích nghi sinh học đối với nước uống không mặn.
DeSalle nói: “Hầu hết tổ tiên của chúng ta không tiếp xúc với nước biển, cho dù đó là động vật nói chung, động vật linh trưởng hay động vật ăn côn trùng. Vì vậy, chọn lọc tự nhiên đã mài dũa để xử lý nước không mặn và sinh lý của chúng ta đã trở nên tinh vi đến mức làm cho việc bị nhiễm mặn trở nên rất nguy hiểm và có hại."
(Theo LiveScience)