Nguồn gốc bánh chưng và ý nghĩa của tục gói bánh chưng trong ngày Tết
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ ba, 09/02/2021 19:37 (GMT +7)
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Bắc vào ngày Tết, mang ý nghĩa sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan...
Thế nhưng, bạn đã biết nguồn gốc, ý nghĩa của món ăn này và lý do tại sao bánh chưng luôn là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết không? Cùng 2 Đẹp tìm hiểu nhé!
Nguồn gốc của bánh chưng
Những ngày cận Tết là dịp để gia đình sum vầy, quây quần cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh chưng dâng lên bàn thờ tổ tiên. Theo ông bà xưa kể lại, tục lệ gói bánh chưng ngày Tết xuất hiện từ thời Hùng Vương thứ 6. Khi tuổi cao sức yếu, vua muốn truyền ngôi cho các vị hoàng tử và hạ lệnh rằng, trong lễ Tiên Vương, ai đem đến món quà vừa ý thì sẽ truyền ngôi báu cho người đó.
Các hoàng tử lên rừng xuống biển để tìm đủ các món sơn hào hải vị, của cải châu báu quý hiếm để dâng lên vua cha. Duy chỉ có Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 đã sớm mất mẹ, không biết nên lựa chọn món quà nào.
Một đêm, Lang Liêu mơ thấy có vị thần đến bảo: "Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và hình vuông tượng trưng cho đất trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành của cha mẹ". Ngày lễ Tiên Vương, Lang Liệu đem 2 món bánh đến dâng lên vua cha. Bánh hình vuông là bánh chưng, tượng trưng cho đất. Bánh hình tròn là bánh giầy (bánh dày), tượng trưng cho trời. Vua cha rất hài lòng và truyền ngôi lại cho Lang Liêu.
Từ đó trở đi, cứ đến ngày Tết, người dân lại làm bánh chưng, bánh giầy để dâng lên cúng tổ tiền, mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dần dần, tục gói bánh chưng đã trở thành nét văn hóa của người Việt trong dịp Tết cổ truyền.
Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết
Mặc dù bánh chưng là món ăn nhất định phải có trong dịp Tết Nguyên đán nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa của chúng. Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho "trời tròn, đất vuông".
Dân tộc Việt Nam lại là nền văn hóa lúc nước, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Vì vậy, bánh chưng thể hiện sự biết ơn của trời đất đã ban cho mưa thuận gió hòa để mùa mang bội thu, giúp người dân có cuộc sống đầm ấm. Ngoài ra, đây cũng là món ăn thể hiện tấm lòng và sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên như Lang Liêu dành cho vua Hùng.
Trong dịp Tết Nguyên đán, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh các thành viên trong gia đình đang quây quần gói bánh, trông bánh bên bếp lửa. Đây là giây phút gia đình sum họp sau một năm dài đi học, đi làm ăn xa. Tết dường như sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi sắc xanh của bánh chưng, vừa mang ý nghĩa sâu sắc, vừa là nét đẹp tinh thần. Ngày nay, nhiều gia đình trong thành phố không còn tục gói bánh chưng nhưng ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên nhất định phải có loại bánh đặc trưng và ý nghĩa này.
Bánh chưng truyền thống được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo... rồi gói bằng lá dong, lá chuối và luộc trong nhiều tiếng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại bánh chưng "độc lạ" đủ các biến tấu về hương vị, màu sắc như: bánh chưng nhân cá hồi, bánh chưng nhân thịt ngan, bánh chưng nhân trứng muối... cho khách hàng thỏa sức lựa chọn trong dịp Tết Tân Sửu.
Bánh chưng là món ăn truyền thống và là nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhất là đối với những người con xa quê thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn là được trở về nhà bên vòng tay của cha mẹ, quây quần bên nồi bánh chưng trong đêm 30 Tết.