Những con phố hay bị gọi sai tên nhất Hà Nội: Người "bản địa" còn dễ nhầm

Những con phố tại Hà Nội hay bị gọi sai tên gốc thường là những phố lâu đời, có lịch sử nhiều "lớp lang" đến nỗi ngay cả những người "bản địa" còn nhầm lẫn.

Hà Nội "băm sáu phố phường" vốn nổi danh với những ngõ phố đan xen như bàn cờ khiến người nào không quen mà lỡ có "lạc lối" vào thì dễ bị một phen "xây xẩm mặt mày". Thế nhưng người ta còn dễ nhầm lẫn cả tên của những con phố ấy, nếu đối chiếu với "giấy khai sinh" của tên họ sơ khai.

Sau đây là một số con phố hay bị gọi sai tên phổ biến và nổi tiếng nhất tại đất  Hà thành.

1. BÁO KHÁNH chứ không phải BẢO KHÁNH

Phố Báo Khánh nối từ Lê Thái Tổ đến Hàng Trống là con phố bị  đọc sai thuộc loại nhiều nhất nhì từ xưa đến nay, đến mức không chỉ người ở địa phương khác mà cả dân sống ở phố này cũng còn gọi nhầm. Có lẽ bởi chữ "Báo" đọc không thuận miệng bằng chữ "Bảo".

Báo Khánh là sự ghép tên giữa hai cái tên Báo Thiên Tự và Hữu Khánh Thụy. Báo Thiên Tự có từ thời Lý và là một ngôi chùa rất danh tiếng tồn tại suốt 9 thế kỷ, ít người biết rằng, Nhà Thờ Lớn bây giờ chính là được xây dựng trên nền của Báo Thiên Tự xưa kia. Còn Báo Thiên Tự  chỉ còn duy nhất dấu tích còn lại là Chùa Bà Đá ở số 3 Nhà Thờ, nền Tháp Báo Thiên – 1 trong “An Nam Tứ Đại Khí”.

2. TỐ TỊCH chứ không phải TÔ TỊCH

"Lên Tô Tịch ăn hoa quả dầm" là rời rủ rê khó cưỡng bậc nhất của bao thế hệ học sinh, sinh viên hay thậm chí là các đôi đang "tán tỉnh" nhau. Ấy thế nhưng tên chuẩn của phố này phải là Tố Tịch chứ không phải Tô Tịch. Tố Tịch nối từ Hàng Gai ra Hàng Quạt. Trước thời Pháp thuộc thì con phố này có tên là Hàng Tiện hay Thợ Tiện vì một số gia đình người làng Nhị Khê, Thường Tín đã mang nghề khắc con dấu, tiện gỗ đến đây.

Phố Tố Tịch thưởu xưa còn gọi là Hàng Tiện.

Ý nghĩa cái tên "Tố Tịch" ở đây không liên quan gì đến món hoa quả dầm nổi tiếng đâu. Chữ "Tố” ở đây nghĩa là “trắng” (giống như “tố nữ” là “cô gái trong trắng”), còn “Tịch” là “cái chiếu” (giống như “chủ tịch” từ xa xưa là người có địa vị cao nhất hoặc người được ngồi riêng một chiếc chiếu – tương đương với chairman trong tiếng Anh. Vì thế, Tố Tịch dịch nôm na nghĩa là "Cái chiếu trắng".

3. HÀ HỒI chứ không phải HẠ HỒI

"Sự tích" về cái tên Hà Hồi thực chất có liên quan tới 1 nhân vật và 1 địa danh lẫy lừng trong lịch sử. Đó là vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) và thôn Hà Hồi (thuộc Thường Tín - Hà Tây cũ nay là Hà Nội). Năm xưa, tại trận Hà Hồi thì vua Quang Trung đã giành một chiến thắng lớn trước quân Thanh (Trung Quốc) xâm lược. Vì vậy, ngày nay người ta để tên phố Hà Hồi cạnh phố Quang Trung cũng là để ghi nhớ tới trận đánh lịch sử này.

4. NGUYỄN THIẾP chứ không phải NGUYỄN THIỆP

Việc dần tình hay gọi sai tên phố Nguyễn Thiếp thành Nguyễn Thiệp có lẽ cũng đơn giản bắt nguồn từ chuyện "dễ gọi và thuận miệng" thôi, nhưng gọi nhiều thì nhiều người nhầm cũng là dễ hiểu. Phố Nguyễn Thiếp bắt đầu từ phố Nguyễn Trung Trực đến phố Hàng Khoai cắt ngang qua các phố Hàng Đậu, Gầm Cầu.

"La Sơn Phu tử" Nguyễn Thiếp - tên vị danh nhân được lấy tên cho con phố là một vị quan, một thầy giáo và nhà trí thức đại tài, tề danh cùng Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm là ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam. Vậy Nguyễn Thiếp là một nhân vật có thật trong lịch sử nên việc dùng đúng tên lại càng quan trọng.

5. CỔNG ĐỤC chứ không phải CỐNG ĐỤC

Con phố Cổng Đục rất ngắn và nhỏ nối từ Hàng Mã ra Hàng Vải, không nhiều người biết đến con phố này. Cống Đục thì nghe thuận tai hơn nhưng thực ra tên đúng phải là CỔNG ĐỤC. Có nhiều giai thoại về sự tích cái tên này, hai chuyện nổi tiếng nhất là thời xưa, Hà Nội  bị Pháp chiếm đóng và phía cổng thành phía đông bị lính Pháp đục lỗ ra thành một cái cổng nhỏ để mua bán và trốn đi chơi.

Một thuyết khác lại cho rằng tên này có từ thế kỷ 13, sau khi Trần Thủ Độ đảo chính và chấm dứt vương triều nhà Lý. Người ta đã đục một cái cổng nhỏ để đưa thi hài Lý Huệ Tông ra ngoài an táng bí mật, tránh cho dân trong thành sẽ nhớ về triều Lý.

6. CỔ NGƯ, CỐ NGỰ và… THANH NIÊN

Đây là những cái tên quá nổi tiếng với  rất nhiều thế hệ người dân Hà Nội, từ cung đường "lượn" huyền thoại là Phố Cổ đổ ra bốt Hàng Đậu - Quán Thánh - Thanh Niên rồi vòng về lăng Bác cho đến việc đi vào thi ca và nhạc phẩm như: “Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp; Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước em về”.

Thế nhưng ít ai biết rằng “đường Cổ Ngư xưa” trong bài hát chính là đường Thanh Niên bây giờ (sau này, phố Cổ Ngư bị thu nhỏ lại thành một con phố ngắn nối liền với đường Thanh Niên). Mà càng ly kỳ hơn, Cổ Ngư cũng không đúng hẳn, mà "chuẩn khai sinh" phải là Cố Ngự cơ. Chữ Cố Ngự ở đây là giữ vững, phòng vệ cho chắc.

Nguyên nhân là xa xưa hồ Tây và hồ Trúc Bạch là một chứ chưa tách ra như bây giờ, dân ở đây chuyên làm nghề chài lưới, đánh cá nên để thuận tiện cho việc di chuyển người ta đã đắp một con đập ngăn hồ Tây thành hai phần. Mà khi xưa, chống lũ ở đê sông Hồng là rất vất vả, năm nào mưa lớn nước lên là con đập này cũng phải đắp lại. Cái tên Cố Ngự từ đó mà ra đời.

Đến thời Pháp thuộc thì tên đường đều ghi không dấu dẫn đến lâu ngày, người ta đọc trại thành Cổ Ngư và được giải thích là nhìn từ trên cao, đường được quan sát có hình thù giống một con cá. Đây quả là một ví dụ điển hình cho việc cứ nói cộng với nghĩ sai nhiều và lâu quá thì tự nhiên thành đúng.  Sau này, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đặt lại tên đường là đường Thanh Niên.

Bài liên quan

News feed