Sốt xuất huyết gia tăng ở trẻ nhỏ
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ năm, 22/10/2020 17:37 (GMT +7)
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 10 là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết.
Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận khoảng 60 ca sốt xuất huyết, bệnh nhi chủ yếu sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Số ca bệnh ngày một gia tăng do bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết có độ tuổi từ sơ sinh đến 10 tuổi. Nhiều gia đình khi thấy con sốt có thói quen tự mua thuốc điều trị cho trẻ, không đi khám ngay, gây ra nhiều tình huống nguy hiểm.
Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều những trường hợp trẻ do tự ý sử dụng thuốc hạ sốt loại chống chỉ định trong các trường hợp mắc sốt xuất huyết, nên khi nhập viện bệnh đã tiến triển nặng.
Bác sĩ cho biết đối với bệnh sốt xuất huyết, việc quan trọng là phải hạ sốt đúng cách, và theo dõi dấu hiệu ở trẻ, như: Nôn, tiểu ít, mệt mỏi, kém ăn hoặc xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí lơ mơ, ngủ gà, li bì... Khi thấy trẻ có biểu hiện nói trên, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ có hướng dẫn cụ thể.
Các bác sĩ cũng chỉ cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường:
Bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến qua ba giai đoạn:
Trong 2-3 ngày đầu: Bệnh nhân sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Bệnh nhân bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh nhân bắt đầu có các chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...
Từ ngày thứ 7: Các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.
Đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác:
Bệnh nhân sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban.
Để phân biệt được bệnh, cần theo dõi triệu chứng và các dấu hiệu điển hình như ban. Trong sốt siêu vi, các nốt nổi mẩn đỏ sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Còn trong sốt xuất huyết, ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, có hướng điều trị đúng đắn và kịp thời.