Trẻ em bị F0 nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?
- Alice Pham
- Đăng lúc: Chủ nhật, 27/02/2022 19:09 (GMT +7)
Các chuyên gia khẳng định vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng, chữa bệnh cho trẻ em bị F0.
Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em đang ngày một tăng khiến không ít phụ huynh lo lắng không biết cách chăm sóc cho trẻ nhỏ như thế nào là đúng đắn. Đặc biệt giữa tình hình nhiều loại thực phẩm tăng sức đề kháng được các nhà bán thuốc tự kê đơn bán cho phụ huynh, hay nhan nhãn các nhân viên bán hàng online tiếp cận đã khiến không ít người hoang mang.
Mới đây, ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - đã nhấn mạnh việc phòng ngừa và chăm sóc cho trẻ, nhất là vấn đề dinh dưỡng cho trẻ khi mắc Covid-19 là vô cùng cần thiết và cần được chú trọng. Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng càng được chú ý khi đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh virus và biến chứng nặng.
Theo đó, để phòng ngừa Covid-19 cho trẻ, phụ huynh cần áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và đúng cách. Điều này giúp tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh, hoặc giảm nhẹ các biến chứng trong trường hợp trẻ bị F0.
Cụ thể, các bậc cha mẹ nên chú ý một số điều sau:
Cần lựa chọn thực phẩm phù hợp, giàu dinh dưỡng cho trẻ
Đối với trẻ đang còn bú mẹ: Cần tiếp tục cho con bú với tần suất nhiều lần hơn kết hợp với ăn uống bổ sung hợp lý. Việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ nhỏ tăng trưởng, phát triển tối ưu và phòng chống lây nhiễm tốt nhất. Khi đủ 24 tháng tuổi thì tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, thực phẩm đa dạng, tốt nhất nên ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng với 15 loại thực phẩm). Không quá kiêng cử ăn uống đối với trẻ để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (nhất là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.
Trẻ cần ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá (cá chép, cá lóc, cá hồi, cá ba sa…), thức ăn giàu kẽm và sắt như sữa, trứng, hải sản... để giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ bị biến chứng viêm phổi, nên bổ sung kẽm bằng đường uống cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tăng cường bổ sung rau, quả có nhiều vitamin và khoáng chất cho trẻ, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm, selen... giúp tăng cường miễn dịch, cung cấp nước, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương. Một số hoa quả, rau củ nói trên như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, bưởi, táo, lê, đu đủ, dưa hấu, rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...
Không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, hành tây, tỏi..., hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật, tránh những thức ăn đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng độ tuổi
Đối với trẻ từ 1-2 tuổi: Tiếp tục cho bú mẹ, nếu mẹ không có sữa thì cho trẻ uống sữa ngoài khoảng từ 300-500 ml/ngày. Mỗi ngày ăn 4 bữa cháo hoặc súp, nếu trẻ thích có thẻ cho ăn thêm quả chín.
Lượng thực phẩm trong ngày: 100-150g gạo, 100-120g thịt hoặc cá, tôm, 3-4 quả trứng gà/tuần, 25-30g đầu mỡ, 50-100g rau xanh, 150-200g quả chín.
Trẻ từ 3-5 tuổi: Duy trì 4 bữa ăn/ngày, cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích nhưng lượng ăn vào tăng lên. Tránh xa những thứ như bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn.
Lượng thực phẩm trong ngày: 200-300g gạo, 150-200g thịt hoặc cá, tôm, 30-40g dầu mỡ, 200-250g rau xanh, 200-300g quả chín, 300-400 ml sữa.
Đối với trẻ mẫu giáo và học sinh: Ăn uống điều độ, đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo từng độ tuổi, trẻ bị biếng ăn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là quả chín và rau xanh.
Cách chế biến thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ bị F0
BS Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết, đối với trẻ bị nhiễm Covid-19, cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị, thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, nấu mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh. Bên cạnh đó, cần thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa. Hạn chế ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ nướng, xông khói...
Khuyến cáo nên cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể bổ sung cho trẻ nước hoa quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải như Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng phục hồi dinh dưỡng và sức khỏe trở lại bình thường.
Đặc biệt, phụ huynh cũng cần vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tăng cường vệ sinh cá nhân (đặc biệt là mũi họng), giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng trong thời gian phòng chống bệnh.