Sản phụ Đ.T.Đ. (35 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) có dấu hiệu chuyển dạ khi ở tuần thứ 40 của thai kỳ. Quá trình mang thai của chị Đ. bình thường, khỏe mạnh. Đây là lần sinh nở thứ 3 của chị.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị Đ. vỡ ối sớm giờ thứ nhất. Tối cùng ngày, sản phụ được chỉ định mổ vì ngôi không lọt, thai to. Sau 30 phút trong phòng mổ, một bé gái nặng 3,5 kg chào đời, khóc tốt.
Tuy nhiên sau đó, tử cung của sản phụ co hồi kém. Ekip mổ đã sử dụng tất cả kỹ thuật cầm máu trong phẫu thuật và thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng không có cải thiện.
Tình trạng của sản phụ Đ. tiếp tục diễn tiến xấu: da và niêm mạc nhợt, tím tái, liên tục chảy máu... Sản phụ không đáp ứng các loại thuốc hiện có. Bệnh nhân Đ. được xác định đờ tử cung. Đây là hiện tượng ít gặp nhưng rất nguy hiểm trong sản khoa.
Giám đốc bệnh viện trực tiếp giải thích cho người nhà của sản phụ về việc cắt bỏ tử cung để giữ lại tính mạng cho cô. Tuy nhiên, chồng chị Đ. nhất quyết không đồng ý.
Tại thời điểm sản phụ có diễn tiến xấu, các bác sĩ đã truyền 3 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương đông lạnh nhưng tình trạng của sản phụ này vẫn không cải thiện.
Sau đó, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện rối loạn đông máu, huyết áp tụt, mạch nhanh khó bắt, máu chảy ở tất cả vị trí. Các bác sĩ và kĩ thuật viên lấy máu của chính mình để truyền cho bệnh nhân trên bàn mổ. Lúc này, người chồng mới chấp nhận cho bác sĩ cắt tử cung của bệnh nhân.
Sau ca mổ kéo dài hơn 5 giờ, các bác sĩ gây mê hồi sức đã truyền tổng số 5 đơn vị khối hồng cầu, 7 đơn vị máu toàn phần của người chồng và nhân viên y tế cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe sản phụ quê Phú Thọ đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Đại diện bệnh viện chia sẻ: "Chúng tôi hoàn toàn tự tin, khẳng định về khoa học và pháp lý quá trình tiếp nhận, thăm khám, cuộc đẻ và cả cuộc mổ các bác sỹ đã làm hết trách nhiệm, làm tuyệt đối đúng phác đồ của Bộ Y tế, làm đúng và làm tất cả các thao tác, quy trình quy phạm, kỹ thuật có thể, các bác sỹ không có bất cứ một sai sót chuyên môn nào dù là nhỏ nhất, chính nhờ sự tuân thủ và làm đúng đó mà các bác sỹ đã cứu được một người bệnh từ trạng thái thập tử nhất sinh, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Về đạo đức chúng tôi cũng hoàn toàn thanh thản, dù không cứu được tử cung của người mẹ nhưng đó là tình huống bất khả kháng, ở bệnh viện của chúng tôi hay ở bất cứ ở bệnh viện nào khác trên thế giới các bác sỹ cũng sẽ phải làm như vậy, hình ảnh các bác sỹ và nhân viên y tế gục ngã ngay trong phòng mổ sau một đêm thức trắng, sau khi vắt kiệt sinh lực của mình để chiến đấu với tử thần, và sau khi cho đi những giọt máu của chính bản thân mình đã chạm vào trái tim của những người có lương tâm."
Đờ tử cung sau sinh là một tình trạng nguy hiểm đối với sản phụ sau vượt cạn. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung của sản phụ không thể co hồi lại sau khi sinh con, nguy cơ dẫn đến biến chứng băng huyết sau sinh, rất nguy hiểm cho tính mạng.
Thông thường, cơ tử cung sau khi sinh sẽ thắt chặt hoặc co lại để làm bong rau. Quá trình tử cung co hồi sẽ siết chặt các mạch máu gắn với bánh rau, giúp ngăn tình trạng chảy máu. Nếu vì lý do nào đó gây ra đờ tử cung sau sinh, cơ tử cung không co đủ mạnh, máu sẽ tiếp tục chảy tự do, dẫn đến băng huyết, đe dọa tính mạng.
Sản phụ sau sinh bị đờ tử cung cần điều trị cấp cứu càng sớm càng tốt để ngăn chặn xuất huyết và bổ sung lượng máu bị mất. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng sản phụ hồi phục tốt là hoàn toàn có thể. Điều trị đờ tử cung nhằm mục đích dừng chảy máu và thay thế lượng máu bị mất. Sản phụ phải được truyền dịch, máu và chế phẩm máu càng sớm càng tốt.
Điều trị đờ tử cung bao gồm: Xoa đáy tử cung, bác sĩ đặt một tay ở âm đạo và đẩy tử cung lên trên trong khi tay kia đè vào đáy tử cung qua thành bụng và xoa bóp; Sử dụng thuốc co hồi tử cung bao gồm oxytocin, methylergonovine, prostaglandi; Truyền máu, dịch và các chế phẩm của máu.
Trong trường hợp nặng, điều trị bao gồm phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung gây chảy máu, gây tắc động mạch tử cung, bao gồm việc đưa các mảnh nhỏ vào động mạch tử cung để ngăn máu đến tử cung. Trong trường hợp các biện pháp trên không có tác dụng, cắt tử cung là biện pháp cần thiết phải thực hiện.
Bình luận