Vừa qua, tiến sĩ Tamitha Skov, nhà vật lý thời tiết không gian nổi tiếng tại Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Los Angeles đã gây chú ý khi thông báo lên Twitter của mình rằng Trái đất sẽ đón "cú đánh trực diện" từ một cơn bão mặt trời diễn ra vào ngày 19/7.
Cụ thể, bà Skov viết: "Một cú đánh trực diện! Cơn bão lớn giống như con rắn quay vòng, phóng ra khỏi Mặt Trời tấn công trực diện Trái đất. Từ trường của cơn bão Mặt trời hướng về Trái đất sẽ rất khó dự đoán. Chúng có thể mang xung lực cấp G2 hoặc G3 nếu từ trường của cơn bão này hướng về phía nam".
"Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) dự đoán tác động diễn ra vào đầu ngày 19/7 (giờ địa phương). Cực quang sẽ mạnh và sâu ở vĩ độ trung bình", bà nói thêm
Các cơ quan thời tiết của chính phủ Mỹ và Anh cho biết, từ tháng 3/2022, Trái đất liên tục nhận các cơn bão địa từ của Mặt trời tấn công. Dù đến nay, các cơn bão địa từ chưa gây ra tác hại lớn nào, nhưng chúng là dấu hiệu của các cơn bão mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo chuyên gia thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, bão Mặt Trời được xem là sự bùng nổ bất thường của các hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời, hiện tượng này còn được gọi là sự phun trào nhật hoa (CME). Những dòng hạt mang điện từ Mặt Trời thường ngày vẫn liên tục phóng vào không gian và va chạm với Trái Đất. Dòng hạt mang điện đó được gọi là gió Mặt Trời.
Bão Mặt Trời (sự phun trào nhật hoa) trên thực tế là sự tăng cường độ đột ngột của gió Mặt Trời do hoạt động bất thường ở một khu vực nào đó trên Mặt Trời với sự xuất hiện của những quầng lửa hoặc các vết đen.
Theo các chuyên gia vật lý thiên văn, cứ 11 năm sẽ đến thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh, đỉnh của các chu kỳ bão Mặt Trời là các năm 2000, 2012 và đến nay là năm 2022. Tính theo chu kỳ này, từ nay đến đầu năm 2023 dự kiến sẽ có các trận bão Mặt Trời lớn.
Theo thống kê, hàng năm trên thế giới xảy ra rất nhiều trận bão Mặt Trời. Những vụ bùng nổ hoạt động ở một số khu vực của Mặt Trời thường gây ra những hiệu ứng từ ảnh hưởng tới sinh hoạt của con người ở Trái Đất. Thông thường, những vụ phun trào nhật hoa nhỏ chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ thấp, như làm gián đoạn sóng truyền hình, nhiễu loạn sóng radio, điện thoại…, và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng mức độ không đáng ngại. Bão từ mạnh cũng có khả năng ảnh hưởng tới đường dây tải điện và các ống dẫn dầu khí.
Hoạt động của Mặt Trời cùng tác động của nó là không thể ngăn cản được. Tuy nhiên nếu dự báo sớm, các cơ quan chức năng có thể sớm có kế hoạch bảo trì và sẵn sàng sửa chữa những hư hại về kỹ thuật mà hiện tượng này gây ra. Mỗi đợt bão Mặt Trời diễn ra ngắn, từ vài giờ cho đến vài ngày.
Theo lời khuyên từ chuyên gia, trong những giai đoạn Mặt Trời đang hoạt động mạnh, người dân nên hạn chế thời gian bị phơi quá lâu dưới ánh nắng. Hạn chế ra ngoài, nếu bắt buộc phải ra đường thì cần che chắn cẩn thận. Nếu có thể thì hạn chế việc di chuyển bằng máy bay.
Luôn tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh, sạc sẵn tất cả điện thoại, máy tính là một cách để bảo vệ đồ dùng khi có những hoạt động đặc biệt mạnh của Mặt Trời.
Hiện việc dự báo bão Mặt Trời vẫn còn những bất cập vì để có số liệu chính xác cần phải quan sát chi tiết từ các kính thiên văn hiện đại ở mặt đất cũng như ngoài không gian. Với công nghệ hiện có ở Việt Nam thì chúng ta chưa thể theo dõi và dự đoán được chính xác bão Mặt Trời. Người dân vẫn đang tiếp cận thông tin về bão Mặt Trời chủ yếu qua các nghiên cứu nhỏ lẻ được công bố.
Bình luận