Liên quan đến dịch nôn, tiêu chảy hiện nay, mới đây Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà cho hay, hiện có nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh vì nôn và đau bụng. Về nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em bác sĩ cho biết, tùy từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.
Trong đó những biểu hiện điển hình như đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi chính là triệu chứng chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm và cần phải được thăm khám của bác sĩ cũng như có các can thiệp khẩn cấp.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở Nhi khoa hoặc chuyên khoa Tiêu hóa nhi khoa khi trẻ đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, để được các bác sỹ thăm khám, chỉ định xét nghiệm xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý, tránh những biến chứng do tình trạng bệnh kéo dài có thể gây nên.
>>> Xem thêm: Khi dữ liệu đã có trong CCCD, tài xế có phải mang theo bằng lái xe?
Nguyên nhân đau bụng và nôn ở trẻ em
- Nhiễm khuẩn tiêu hoá là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau bụng và nôn ở trẻ em hoặc do trẻ bị viêm dạ dày – ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19 gây nên. Tình trạng này có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn.
Hơn nữa vào mùa hè, ruồi, muỗi, gián, kiến… phát triển mạnh dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Việc trẻ vào mùa du lịch cùng gia đình, dùng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày – ruột do nhiễm khuẩn.
Nôn trớ do viêm dạ dày – ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ, kèm các biểu hiện như tiêu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ.
- Ngộ độc thực phẩm thường có dấu hiệu như cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Có thể trẻ không sốt hay sốt cao trên 38oC.
- Chế độ ăn không phù hợp cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em.
- Bệnh lý cấp cứu ngoại khoa như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… cần phải nhanh chóng phẫu thuật.
Dấu hiệu ở trẻ bị đau bụng và nôn cấp tính
Biểu hiện đau bụng ở trẻ em khác nhau theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi của trẻ, trong đó trẻ nhỏ thường quấy khóc liên tục với vẻ mặt nhăn nhó đau đớn. Những trẻ lớn hơn có thể sẽ nói với cha mẹ về vị trí đau và tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng đúng.
Trong đó, trẻ chủ yếu đau bụng vùng quanh rốn hoặc giữa bụng với cơn đau thoáng qua. Nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, đau bụng lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó, cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn thì trẻ cần được đưa đến bệnh viện vì trong tình huống này đau bụng có thể do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.
Nhiều trẻ sẽ kèm theo tình trạng nôn, và theo bác sĩ nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện.
Sau nôn, đau bụng nhiều khả năng trẻ sẽ bị tiêu chảy, thậm chí tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Do đó, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước.
Với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch, nếu con có biểu hiện đau bụng và nôn cha mẹ cần hết sức chú ý. Vì theo nghiên cứu, 30-40% trẻ em nhiễm COVID-19 sau đó sẽ có biểu hiện triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Khi có biểu hiện có thể trẻ bị viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tụy cấp, tràn dịch ổ bụng hoặc mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) do đó, trẻ cần được thăm khám. Nếu trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, hoặc các biến chứng tim mạch, sốc… thì cần đưa con tới các cơ sở y tế để kiểm tra và biết xem liệu con có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.
Bình luận