Chứng cuồng ăn bulimia là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, người mắc chứng này thường tinh thần không thoải mái, thậm chí có thể bị nguy hiểm tới tính mạng. Chứng này thường khiến thói quen ăn uống trở nên kém lành mạnh và thường bắt đầu ở cuối giai đoạn vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
Những người bị chứng này có thể âm thầm ăn một lượng lớn thực phẩm một cách mất kiểm soát (binge) nhưng sau đó lại cố gắng loại bỏ lượng calo thừa một cách không lành mạnh (purge)
Người ta sẽ dựa trên số lần purge trong một tuần để đánh giá độ nghiêm trọng của chứng cuồng ăn. Theo đó, để tiêu hao số calo và ngăn tăng cân, người mắc chứng này có thể sử dụng nhiều biện pháp hết sức cực đoan như tự làm mình nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thực phẩm bổ sung giúp giảm cân hay thuốc lợi tiểu... hoặc các cách khác như nhịn ăn, ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc tập thể dục quá mức.
Những người mắc phải chứng cuồng ăn bulimia thường lo lắng về cân nặng và vóc dáng của mình. Thậm chí họ luôn tự ti về ngoại hình và cho rằng ngoại hình của mình có nhiều khuyết điểm. Các bác sĩ cho biết, chứng này không chỉ liên quan tới thói quen ăn uống mà còn về cách bản thân tự đánh giá về hình ảnh bản thân nên rất khó chữa trị.
Giới y học cho biết, hiện vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng cuồng ăn bulimia vẫn không rõ ràng. Nhưng có nhiều yếu tố quan trọng có thể gây rối loạn ăn uống như di truyền, cảm xúc, sinh học, quy chuẩn xã hội…
Các bác sĩ cũng cho biết chứng cuồng ăn bulimia có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng, như các vấn đề về tiêu hóa, bị bệnh về răng miệng, kinh nguyệt không đều, tự tổn thương cơ thể, bệnh về tim mạch, trầm cảm, suy thận, ...
Do đó nếu nghi ngờ bạn mắc chứng cuồng ăn bulimia, hãy nhanh chóng tới bác sĩ để kiểm tra và chữa trị trong thời gian sớm nhất.
Khi bị mắc chứng cuồng ăn bulimia, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị theo nhiều cách. Trong đó, để cải thiện chứng này hiệu quả nhất chính là kết hợp liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm.
Bình luận