Đừng để người hùng phải “ngộp thở” vì những lời tôn vinh đổi thành hiện kim

Meo Meo Đăng lúc: Thứ tư, 03/03/2021 23:11 (GMT +7)
Nguyễn Ngọc Mạnh xứng đáng với những cái nghiêng mình bởi hành động đẹp đẽ của anh. Nhưng sự tri ân thực sự không nên và không cần phải “quy ra thóc".
Hashtag #"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh #Nóng trên mạng xã hội #PODCAST #Interview

Khi những ngưỡng mộ được hoán đổi bằng hiện kim

Những người hùng - ấy là người sẵn sàng xả thân vì người khác, người dũng cảm bảo vệ cho những lý tưởng tốt đẹp, người cứu rỗi cho một cuộc sống dần trở nên toan tính và thực dụng, người nhắc nhở cho chúng ta rằng, sự tử tế vẫn luôn hiện hữu, chỉ cần cơ hội để bột phát. Những người hùng, ấy là biểu tượng đẹp đẽ cho lòng trắc ẩn và từ bi, là điều người ta nhìn vào và được tiếp thêm niềm tin rằng cuộc đời này vẫn còn đáng sống.

Xã hội nào cũng cần những người hùng để truyền cảm hứng, nhất là khi người hùng ấy không được trả lương - hiểu theo nghĩa đó không phải là “nhiệm vụ”, công việc của họ, mà chỉ là mệnh lệnh của trái tim. Đó là lý do mà Nguyễn Ngọc Mạnh, người trèo lên mái tôn, giơ đôi tay đón lấy em bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A của một khu chung cư trở thành một niềm cảm hứng, được ca tụng, được “săn đón” của truyền thông và công chúng mấy hôm nay.

Hành động dũng cảm và truyền cảm hứng của anh Nguyễn Ngọc Mạnh.
Hành động dũng cảm và truyền cảm hứng của anh Nguyễn Ngọc Mạnh.

Có người chia sẻ những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện cũ, có người vẽ tranh, viết status cảm ơn anh. Cũng có người bị lay động (như Trấn Thành) đến mức phải hành động cụ thể hơn nữa, họ gửi quà, gửi tiền tặng anh

Dù Mạnh không công khai số điện thoại, tài khoản ngân hàng, nhưng những món quà và những khoản tiền vẫn đến với anh, có khi là vài trăm nghìn, có khi là hàng chục triệu. Một trường mầm non tư thục còn tặng học bổng 350 triệu cho con gái anh. Người ta muốn mời anh đóng quảng cáo, hứa hẹn tặng anh những công việc tiềm năng hơn… Mạnh từ chối tất cả.

Tôi tuyệt nhiên không nghĩ rằng, đó là “cơn lên đồng của cư dân mạng” như ai đó chỉ trích. Lời nhận xét đó là một sự báng bổ sỗ sàng với những người yêu quý hành động quả cảm của Mạnh. Khi ta yêu mến một ai đó, xúc động vì họ, ta tặng cho họ quà. Lâu lâu mới có một câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng như thế, và lòng tốt cần được tri ân.

Đừng để người hùng phải “ngộp thở” vì những lời tôn vinh đổi thành hiện kim - Ảnh 2

Nhưng tiền, có thể không phải là sự tri ân duy nhất có thể được trao tặng. Tiền là thứ dễ tặng nhất, và cũng thực dụng nhất. Vì thực dụng, nên rất có thể những tiếng “ting ting” reo vang, những số liệu nảy lên trong tài khoản ngân hàng sẽ trở thành phản cảm. Bởi nó đi ngược lại mong muốn, đi ngược lại giá trị trong sáng, không vụ lợi mà Mạnh đã cống hiến, trong vài chục giây “vụt sáng” ấy. 

Và nó cũng kéo đến rất nhiều phiền toái, chỉ trích, thậm chí cả phán xét (cũng) của công chúng với Mạnh.

Của cho là một món quà, nhưng của cho cũng là của nợ

Có phải lời tri ân cần được quy đổi bằng hiện kim; sự ngưỡng mộ, yêu quý nhất thiết phải được thể hiện bằng hành động bấm nút chuyển tiền không?

Mạnh là một người tử tế và tự trọng. Tử tế trong hành động bột phát, và tự trọng trước sự yêu quý, quan tâm quá mức từ những người xa lạ. Anh không giấu giếm chuyện được cho tiền, và thẳng thắn bảo bản thân anh cảm thấy đó là gánh nặng. Ở góc nhìn nào đấy, nó còn là sự xúc phạm. 

Trong tất cả các bài phỏng vấn mình, Mạnh luôn nhấn mạnh rằng anh cứu em bé bằng lời hiệu triệu của trái tim, chứ tuyệt nhiên không phải để nhận được sự ca ngợi và những món quà vật chất. 

Vả nữa, một lý do quan trọng khiến Mạnh từ chối nhận tiền, quà của những người ngưỡng mộ gửi đến vì anh thực sự không cần. “Em nghĩ rằng những gì em tự làm nên thì em sẽ giữ được, trân quý nó hơn. Em có đủ chân, đủ tay trời sinh, em sẽ tự mình làm ra. Lòng tốt của mọi người dành cho em, em sẽ nhường cho người khác. Em giờ không thiếu thốn gì cả”. 

Trước hay sau khi cứu người, anh Mạnh vẫn có một công việc ổn định, lương thiện để kiếm sống và nuôi gia đình.
Trước hay sau khi cứu người, anh Mạnh vẫn có một công việc ổn định, lương thiện để kiếm sống và nuôi gia đình.

Mạnh đã làm thế thật. Anh tặng hết tiền người ta cho anh cho các quỹ từ thiện, nhờ trao lại cho những người khó khăn hơn, cho những người thực sự cần giúp đỡ. Anh thậm chí chẳng sợ mất lòng những Mạnh Thường Quân. Mà thực ra, dùng từ Mạnh Thường Quân trong trường hợp này cũng không chuẩn cho lắm, vì anh đâu có kêu gọi từ thiện hay đi xin tiền cho mình!

Như Mạnh từng chia sẻ trong một bài báo gần đây, anh có 1 năm phải tạm dừng việc học theo “lệnh” bố để đi kiếm tiền thử. Bố dành cả năm đó để dạy cho Mạnh về giá trị của đồng tiền, về sự vất vả của việc kiếm sống, và cả hạnh phúc khi được tự làm ra tiền… Nên anh hiểu, những món tiền “từ trên trời rơi xuống” kia có thể kéo theo rắc rối. Vậy nên ông bố 2 con Mạnh đã kiêm quyết viết 2 chữ TỬ TẾ một cách toàn vẹn, và kiên định với việc bảo vệ phẩm giá của mình, của gia đình mình.

Lại nói về những người muốn tặng thưởng cho Mạnh. Như các cụ xưa có dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Cách cho của những người trao tặng có thể là cách người ta nhìn nhận món quà của mình, ở đây, đầy ắp trân trọng và hân hoan, vì họ tin Mạnh xứng đáng. Nhưng cách cho còn có nghĩa là cách trao đi thật tế nhị và tôn trọng người nhận.

Trong trường hợp này, Mạnh luôn lặp đi lặp lại việc những món quà vật chất gửi đến không làm cho anh dễ chịu. Nó thậm chí còn làm anh bối rối, là gánh nặng. Khi ta tặng quà nhưng người nhận khăng khăng từ chối, không cảm thấy hân hoan, thậm chí phiền muộn vì món quà thì đó có thực sự là một món quà tuyệt vời và trao quà đi có phải cách làm đúng đắn?

Lời tôn vinh, sự tri ân không nên quy ra quà hiện vật, nhất là khi những món quà ấy khiến người được tặng của thấy bối rối, thậm chí phiền muộn.
Lời tôn vinh, sự tri ân không nên quy ra quà hiện vật, nhất là khi những món quà ấy khiến người được tặng của thấy bối rối, thậm chí phiền muộn.

Mạnh từ chối quà cũng quyết liệt như nhiều lần anh “xin” mọi người đừng gọi mình bằng những danh từ to tát. Đừng để một người tốt trong cộng đồng của chúng ta “chết yểu” trong gánh nặng phải trở thành người hùng.

Cách tưởng thưởng, tôn vinh và món quà tuyệt vời nhất cho anh chính là sự đáp đền tiếp nối: Lan tỏa những hạt giống tuyệt đẹp mà anh đã gieo vào lòng chúng ta. Hãy làm thật nhiều việc tử tế, hãy nuôi dạy những đứa trẻ tin vào những điều tử tế. 

Tử tế có nhiều cách, trong đó có tôn trọng người khác và tôn trọng các quyết định người khác chọn cho cuộc sống của họ. Thế nên, nếu chúng ta được truyền cảm hứng bởi hành động của Mạnh, hãy thật sự tử tế với anh. Hãy để Mạnh yên ổn sống tiếp, bình dị và có trách nhiệm, như anh vẫn làm khi chúng ta chưa biết đến anh vậy. 

"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh xin mang tiền được tặng đem đi tặng lại "Anh hùng đời thật" Nguyễn Ngọc Mạnh bị mất nick Facebook Dân mạng tranh cãi việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh có thực sự đỡ được cháu bé
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp