Sự đa dạng, phong phú với những điểm chung và điểm riêng giữa ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tạo thành một nét đẹp vô cùng đặc trưng của nước ta. Hãy cùng 2Đẹp đi tìm hiểu về nét khác biệt trong văn hóa ẩm thực ở mỗi miền ngay bây giờ nhé.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói rằng, miền Bắc là nơi hội tụ và in đậm cốt cách của cả một nền văn hóa ẩm thực lâu đời. Một điều đặc trưng mà bất cứ ai khi ăn cũng có thể nhận ra, đó là trong các món ăn của người Bắc sẽ ít cay, ít ngọt và dậy mùi thơm tự nhiên vô cùng đặc trưng trong lúc chế biến.
Không chua gắt, không đắng ngắt mà cũng chẳng cay xè, đặc trưng của ẩm thực miền Bắc có vị thanh, nhẹ nhàng, màu sắc bắt mắt đấy nhưng phải hài hoà, không sặc sỡ. Những món ngon điển hình nhất để chứng minh cho điều này, nhất định phải kể đến như phở, bún thang, bún chả, bánh cuốn Thanh Trì...
Người miền Bắc nấu ăn tinh tế và thường ưa chuộng, sử dụng nhiều loại gia vị, gia giảm như: tỏi, hành, ớt, tiêu, gừng, chanh, sấu, dấm, tuy nhiên gia giảm đúng nghĩa gia giảm, nghĩa là một chút để nâng vị chứ không phải cứ thích thì cho thật nhiều để gia giảm át đi vị của nguyên liệu chính.
Cái tinh tế của ẩm thực miền Bắc còn là khéo kết hợp những thức ăn giản dị để thành mâm cơm ngon lành. Chẳng hạn mâm cơm có khi chỉ có bát cà muối, bát canh rau đay thêm đĩa đậu rán thôi mà vẫn ngon lành. Ấy là bởi sự kết hợp của màu vàng của đậu, của cà, màu xanh của rau, màu tím của mắm tôm hay nước mắm cắt ớt. Thế nên đôi khi không cần mâm cao cỗ đầy, mâm cơm miền Bắc vẫn khiến người xa quê rạo rực khi nhớ về.
Ẩm thực của người miền Bắc phong phú, cầu kỳ trong cách bày trí lắm! Trong bữa cơm của người Bắc luôn phải có đủ món mặn, món canh, rau, nước chấm đi kèm. Đặc biệt là trong những bữa cỗ thì mâm cơm lại càng được chú trọng hơn cả.
Nói về mâm cỗ miền Bắc phải dùng tới cụm từ "mâm cao cỗ đầy" mới có thể thể hiện được đầy đủ về sự đầy đặn của mâm cơm cỗ nơi đây. Ngày trước, với những gia đình có điều kiện thì mâm cỗ phải gồm tám bát tám đĩa. Nhưng lâu dần, cuộc sống và cách thức trình bày đã giản tiện hơn phần nào nhưng vẫn phải có đủ nào gà, nào chả, nào canh,...
Ngồi trong mâm cơm, người Bắc có cách ứng xử và ăn uống cũng rất riêng. Đó là sự lễ nghĩa và tinh tế! Lễ nghĩa ở chỗ người lớn tuổi và những người được tôn trọng sẽ luôn là người dùng món trước. Còn tinh tế ở chỗ, người Bắc luôn nhường những miếng ngon nhất trên mâm cơm cho người khác. Cũng vì người Bắc ưa được mời chào và thích được "gắp", nên muốn mời họ ăn, thì quả thực cũng cần phải có sự khéo léo và tế nhị.
2. Nét đặc trưng của ẩm thực Miền Trung
Văn hóa ẩm thực của miền Trung vốn được ví giống như một bức tranh tổng thể vô cùng hài hòa và tinh tế. Các món ăn ở nơi đây hầu hết đều có vị cay và mặn. Mặc dù người dân nơi đây cũng thích ngọt, nhưng chỉ ngọt vừa phải, chứ không phải ngọt béo, ngọt ngậy như những món ăn của người miền Nam. Nói theo cách khác, thì người miền Trung ưa vị đậm đà và món ăn phải đậm đà thì mới thực sự là ngon.
Cũng vì văn hóa thích ăn cay, nên ớt chính là một trong những nguyên liệu chế biến được ưu ái hơn cả. Từ những món ăn dân dã cho tới những món ăn cao lương mỹ vị đều không thể nào thiếu được hương vị cay nồng đặc trưng của ớt. Có lẽ “tôn chỉ” cho những món ăn ở nơi đây đó là: “Tất cả đều phải cay!”. Thêm vào đó do thời tiết nắng nóng nên các món cuốn, gỏi, trộn cũng được người miền Trung rất ưu ái, chẳng hạn như mì Quảng, cao lầu, bánh xèo, nem lụi... Tất cả đều đi kèm rất nhiều rau xanh để nâng vị cho món ăn.
Nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực miền Trung rất thú vị, mỗi vùng miền lại có một nét đặc trưng riêng biệt tuy nhiên điểm chung của hầu hết các tỉnh miền Trung là bữa ăn rất đơn giản, các món mắn, hải sản có phần được ưu ái vì vốn có lợi thế về đường biển. Nói về sự ăn uống đơn giản của người miền Trung, một phần là do con người nơi đây giản dị, chất phác, phần còn lại là do cuộc sống của người dân còn gặp phải rất nhiều khó khăn do có nhiều thiên tai.
Sự đơn giản này cũng đúng với mâm cỗ, mâm cỗ miền Trung không có cầu kỳ như miền Bắc mà thường "ưng chi cúng nấy", do đó ở một số vùng còn cúng cả mực cho ngày Tết chứ không kiêng như ở miền Bắc. Ngay trong việc bày mâm, người dân miền Trung cũng bày sao cho hợp lý là được chứ không cần quy định số bát số đĩa như miền Bắc.
Tuy nhiên, đối với ẩm thực xứ Huế thì lại ngược lại.. Vốn là mảnh đất Cố đô, nên mọi bữa ăn của người dân nơi đây đều là sự hòa quyện của “âm dương - ngũ hành”. Người Huế luôn thể hiện sự trân quý, coi trọng từng bữa ăn qua sự trau chuốt, tỉ mỉ sao cho diện mạo món ăn được đẹp mắt và đậm vị nhất. Đặc biệt hơn cả là những món ăn cung đình Huế.
Ẩm thực cung đình Huế chính là những món ăn ngày trước chuyên được nấu và dâng lên cho các bậc vua chúa. Tất cả những món ăn ấy đều thuộc hàng cao lương mỹ vị, yêu cầu người chế biến phải tỉ mỉ, công phu và bày biện một cách đẹp mắt và cầu kỳ nhất. Món ăn cung đình ngoài việc có hình thức đẹp mắt, hương vị hấp dẫn, thơm ngon thì còn có tác dụng điều hòa khí huyết và bồi bổ sức khỏe cho người thưởng thức nữa đấy.
Trong khi miền Bắc luôn chú trọng ở khâu chế biến và bày biện tinh tế hay người miền Trung luôn chế biến món ăn với hương vị đậm đà, xuất phát từ chính những gia vị được nêm nếm, thì ẩm thực Nam Bộ lại là sự kết hợp ẩm thực của nhiều vùng miền. Sở dĩ nói như thế vì miền Nam là người dân tứ xứ đến để lập nghiệp do đó ở đây bạn có thể tìm thấy ẩm thực của người Hoa, ẩm thực của người Khmer, người Chăm và tất nhiên rất nhiều món ăn hấp dẫn của người dân các tỉnh miền Nam.
Điểm nổi bật nhất trong khẩu vị của người dân Nam Bộ đó chính là “hảo ngọt và ưa ngậy”. Nổi bật hơn cả phải kể đến những món chè ngọt gắt, ngọt ngậy được kết hợp cùng với nước cốt dừa beo béo, hay những món bánh, xôi, gà ri tô,... Nhiều người nói rằng những món ăn của miền Nam đều có một mùi vị vô cùng “mạnh mẽ”.
Miền Tây (miền Nam Trung bộ) cũng là một phần quan trọng của ẩm thực miền Nam. Ẩm thực miền Tây gắn liền với mùa nước nổi và mùa nước gặt. Vào mùa nước nổi, người dân địa phương sẽ thưởng thức những món ăn như bông điên điển, bông súng kho mắm, bún nước lèo,... Còn đến mùa nước gặt thì những món như rau đắng, cá lóc, cua đồng,... lại trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết.
Không cần quá phô trương, cầu kỳ, những món ăn của người miền Tây hầu hết đều mộc mạc, giản dị và chân chất đến lạ thường. Thậm chí, có những lúc họ bắt được gì thì sẽ chế biến và ăn ngay tại chỗ cái đó. Độc đáo nhất có thể phải kể tới những món ăn có tiếng như: rắn nướng lèo, gà nướng đất sét, vịt nướng đất,...
Cũng bởi tính tình xởi lởi, chất phác, mà ngay cả trong cách ăn uống của người dân Nam Bộ cũng rất đỗi tự nhiên và cũng chẳng mấy khách khí. Hình ảnh, những mâm cơm gia đình hay mâm cơm mời khách được bày biện ngay trên sàn nhà đã phần nào thể hiện được điều đó.
Bình luận