Chim bồ câu ở Đức, Tây Ban Nha và Italy thường được các du khách cho ăn thức ăn thừa, nhưng giờ đây chúng bị chết đói vì không còn nguồn cung cấp thức ăn này nữa. Còn ở Thái Lan, hàng trăm con khỉ chạy khắp đường phố để tranh giành thức ăn.
Bầy khỉ này vốn sống ở khu tàn tích đền cổ từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Chúng sẽ được cho ăn chuối và các loại trái cây mua từ những người bán hàng rong.
Nhưng khi hoạt động du lịch tạm dừng, nguồn cung cấp thức ăn không còn khiến chúng đói khát phải tự đi tìm thức ăn. Những người chịu ảnh hưởng trực tiếp là cư dân địa phương, họ phải hứng chịu sự "nổi loạn" của bầy khỉ. Thậm chí, họ phải dùng đến lưới bao quanh nhà cửa và sân thượng để ngăn chặn khi đột nhập, đập phá mọi thứ.
Ngoài ra, ở nước này còn có khoảng 1.000 con voi có nguy cơ chết đói sau khi nhiều công viên đóng cửa do đại dịch. Tổng giám đốc công viên voi Maetaeng phía bắc thành phố Chiang Mai cho biết khoảng 85 cơ sở kinh doanh du lịch về voi ở miền Bắc Thái Lan đã ngừng hoạt động do thiếu du khách. Một số con voi may mắn được chở đến sống tạm tại các ngôi làng, nơi chúng có thể kiếm thức ăn.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, người sáng lập công viên thiên nhiên voi, Sangduen 'Lek' Chailert, đã khởi động một dự án cung cấp thức ăn cho voi với chi phí thấp.
Tại thành phố Jaipur của Ấn Độ, do ảnh hưởng của dịch khiến số lượng khách du lịch giảm và việc kiếm tiền từ các chú voi của người dân trở nên vô vọng. Gần 100 con voi tại đây được cung cấp 100 - 150kg thức ăn mỗi ngày nhờ khoản trợ cấp nhỏ từ Cục Lâm nghiệp của bang. Số lượng thức ăn này bị hạn chế hơn nhiều so với thông thường. Và nếu khách du lịch không quay trở lại, một số con voi có thể sẽ chết.
Không chỉ bị bỏ đói, nhiều động vật tại các khu bảo tồn còn bị xẻ thịt. Theo Reuters, Liên minh châu Phi ước tính chỉ trong vòng 3 tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia tại đây đã mất gần 55 tỷ USD doanh thu từ du lịch. Khu bảo tồn Somkhanda (ở trung tâm phía Bắc Zululand) rơi vào tình trạng trì trệ do Nam Phi đóng cửa cuối tháng 3. Chi phí cho công tác đảm bảo an toàn trong mùa dịch như nước rửa tay, thiết bị kiểm tra nhiệt độ... đã làm tăng gánh nặng cho khu bảo tồn này.
Họ quyết định bán thịt thú khi phải đối mặt với khoản lỗ lên tới 90% doanh thu. Khu bảo tồn bán thịt của các loài động vật ăn cỏ như linh dương châu Phi và linh dương Nyala. Hàng năm những loài này thường bị loại bớt số lượng cá thể để quản lý đàn.
Roelie Kloppers, đồng quản lý khu bảo tồn cho biết, thay vì tiêu hủy hay bán với giá thấp những con vật này, họ cố gắng tiếp thị thịt của chúng. Đây được xem là món ngon đối với các nhà hàng và khách du lịch nước ngoài. Việc bán thịt có thể thu về 2.900 - 5.800 USD mỗi tháng cho khu bảo tồn.
Ở Morocco, lừa và la là động vật đa năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng thường phải chở các vật nặng như xi măng, gạch, đồ da dụng... tại các thành phố, đặc biệt là trung tâm của Fes và Marrakech. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đất nước này đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng lại làm nền kinh tế suy thoái. Từ đó, dẫn đến hậu quả đặc biệt khó khăn với những con lừa và la. Chúng không được chủ sở hữu cho ăn vì không tạo ra giá trị kinh tế.
Theo một chủ trung tâm cứu hộ động vật Susan Machin, hoạt động du lịch tiếp tục đóng băng dẫn tới nhiều chủ sở hữu phải bán bớt những con ngựa trong đàn để có tiền trang trải cuộc sống. Nhiều con ngựa kéo xe của Marrakech chỉ nhận được 20% lượng thức ăn mà chúng thường có. Trung tâm này cũng cố gắng hết sức để nhận những con vật bị bệnh hoặc bị bỏ rơi.
Bình luận