Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM) cho biết, không thể dự đoán một người ngày mai, ngày kia có đột quỵ không, nhưng có thể đánh giá sớm yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường.
Bác sĩ Thắng cũng cho biết, những người tuổi tác càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Muốn phòng ngừa thì cần sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
Những người nằm trong nhóm nguy cơ đột quỵ cao đó là người cao huyết áp, người mắc đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, người bệnh tim mạch... cần phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như phải điều trị suốt đời.
Hiện rất nhiều bệnh nhân mắc ở thể nhẹ, cảm thấy khoẻ mạnh nên lơ là điều trị, trong khi hiện nay đã có các loại thuốc giúp giảm nguy cơ, dự phòng đột quỵ ở những bệnh nhân này.
Bên cạnh đó cũng không ít các bệnh nhân sau khi điều trị ổn thì ngưng đi khám, ngưng uống thuốc, hoặc tự mua thuốc theo toa cũ, gây ảnh hưởng hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Thắng cho biết, nhiều chuyên gia nước ngoài đã rất ngạc nhiên trước con số kỷ lục, hiếm thấy ở trung tâm điều trị đột quỵ nào trên thế giới với hơn 1.000 ca điều trị đột quỵ cấp trong một năm như Bệnh viện Nhân dân 115.
Hiện nay ở nước ta đã tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ... Nhưng nguyên nhân khiến điều trị đột quỵ ở Việt Nam kém hiệu quả đó là ít bệnh nhân đến kịp trong thời gian vàng.
Theo Trưởng Khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 - bác sĩ Trần Thị Mai Uyên, "thời gian vàng" của điều trị đột quỵ đó là từ 3-4,5 giờ tính từ khi khởi phát triệu chứng đầu, có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục.
Theo đó dấu hiệu của đột quỵ thường là đột ngột tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Theo thống kê ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, dù có những trường hợp may mắn sống sót nhưng khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ một lần không thể quay lại cuộc sống bình thường.
Đặc biệt những người từng bị đột quỵ mà qua khỏi thưòng đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, rối loạn tâm lý... Do đó điều trị phòng ngừa đột quỵ mới là điều quan trọng nhất.
Các bác sĩ cũng lưu ý, những bệnh nhân đã bị đột quỵ, may mắn sống được hoặc phục hồi tốt, cũng cần phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố đột quỵ tiếp theo.
Bình luận