Theo dự báo, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn ra gay gắt hơn, thậm chí là chưa từng có trong lịch sử. Đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020 làm lượng nước tại lưu vực sông Mekong tiếp tục giảm dù đã bước vào mùa lũ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Vũ Đức Long, người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn sớm và gay gắt trong mùa khô năm nay.
Theo nhận định, vùng hạ lưu sông Mekong có mưa nhưng tổng lượng mưa trên toàn lưu vực sông vẫn thiếu nhiều, hơn nữa đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo ở mức thấp, dưới báo động 1 và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10, sau đó giảm nhanh.
Theo đánh giá ĐBSCL có thể trải qua mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua nhưng vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.
Bên cạnh đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo khí quyển cho thấy xu hướng chuyển sang pha lạnh (La Nina) có thể gây mưa trái mùa dồn dập cho ĐBSCL.
Vào mùa khô lượng mưa có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và tình hình xâm nhập mặn cũng ít khốc liệt hơn năm 2019.
Không những vậy các chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.
Đặc biệt, nếu mùa mưa trái mùa xảy ra ít, kèm theo đó là việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng thì tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra tương tự mùa khô năm 2019 - 2020 và có thể còn gay gắt hơn.
Bình luận