Nữ sinh năm nhất gây tranh cãi khi tiêu hết 32 triệu ngay tháng đầu tiên

Lệ Nguyễn Đăng lúc: Thứ tư, 11/11/2020 12:14 (GMT +7)
Nữ sinh năm nhất đại học ngồi tính nhẩm các khoản chi tiêu và giật mình với con số lên tới 32 triệu đồng chỉ trong một tháng đầu tiên làm tân sinh viên.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học có lẽ là ngày vui nhất của các cô, cậu học trò sau những ngày tháng cặm cụi đèn sách. Cùng chung niềm vui ấy là các bậc phụ huynh, những người luôn đồng hành cùng quá trình học tập của con. Nhưng cũng từ đây, niềm vui cũng đồng nghĩa với những khó khăn và thử thách, khi con cái xa vòng tay gia đình, bước vào một chặng đường mới cần nhiều sự đầu tư hơn.

Mới đây, một bài đăng của nữ sinh năm nhất đã nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Bài viết chia sẻ về những chi phí đầu tiên khi từ quê lên thành phố nhập học:

Bố mẹ luôn mong muốn mang tới cho con những điều tốt đẹp nhất (ảnh minh họa).
Bố mẹ luôn mong muốn mang tới cho con những điều tốt đẹp nhất (ảnh minh họa).

'Nhà em có 5 người, gia đình thuần nông, bố mẹ suốt bao năm đi làm kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn, chẳng dư ra được đồng nào, có chút tiền cũng chỉ dám sắm sửa những thứ cần thiết.

Mặc dù đã đi học được 1 tháng nhưng hôm nay em mới giật mình nhìn lại số tiền bố mẹ đã đầu tư cho việc học đại học của mình.

Tiền trọ hơn 1 triệu. Tiền học 1 kì nộp là hơn 7 triệu, tiền đóng các khoản khác đầu năm khoảng 1 triệu. Tiền mua 1 chiếc xe máy cũ là 9 triệu. Tiền mua 1 chiếc laptop sau khi trừ khuyến mại các thứ là hơn 8 triệu. Tiền ăn tiêu vặt tháng đầu tiên, bố mẹ đưa em 3 triệu bảo là để dư ra 1 chút để nhỡ có việc gì.

Em chợt tính tổng lại và giật mình với con số hơn 32 triệu. Em không biết với mọi người khoản tiền này thế nào nhưng với gia đình em, chưa bao giờ nhà em tiêu một khoản tiền lớn như vậy, kể cả ốm đau hay mua đồ đắt nhất cũng chỉ 10 triệu đổ lại.

Giờ em thấy thương bố mẹ lắm, em cũng đang tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Xong em nghĩ nhà chẳng có tiền mà còn học đại học, đây mới chỉ là chi phí mới lên, sau này còn nhiều khoản khác nữa.

Đến bao giờ mới có thể tự lo cho được bản thân, rồi lo cho bố mẹ. Bây giờ em chỉ mong muốn đơn giản là…lo được cho bản thân trước đã…có ai từng cảm thấy như em không, anh chị đã làm như thế nào ạ?'

Ngay sau khi chia sẻ, bài đăng này nhận về nhiều sự đồng cảm, đặc biệt là từ những bạn sinh viên có cùng hoàn cảnh.

Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sự cần thiết của một số nhu cầu mà cô nữ sinh đã liệt kê trong bài chia sẻ: "Bố mẹ tớ cũng làm nông, tớ nhập học là bố khăn gói đi cùng. Tớ may mắn được ở ký túc xá nên phần chi phí phòng ốc cũng bớt một phần", "Năm đầu cũng không phải cần máy tính, mình học năm 2 rồi trong lớp vẫn đầy người không có", "Hai khoản đắt nhất là laptop và xe máy thì là 2 khoản chưa cần cho năm nhất luôn... Có thể sang năm 2 năm 3 từ từ mua cũng được"...

Các sinh viên đi tìm nhà trọ đầu năm học. Những căn nhà trọ có giá dưới 1 triệu ở ghép 2-3 người được nhiều người tìm kiếm để tiết kiệm chi phí.
Các sinh viên đi tìm nhà trọ đầu năm học. Những căn nhà trọ có giá dưới 1 triệu ở ghép 2-3 người được nhiều người tìm kiếm để tiết kiệm chi phí.

Nhiều cư dân mạng gay gắt hơn, cho rằng nữ sinh có hoàn cảnh gia đình không dư dả gì, bố mẹ làm nông nghiệp nhưng lại sinh hoạt như một cô gái thành thị. Thay vì ở KTX hay ở ghép nhiều người với vài trăm ngàn/tháng thì cô gái này thuê trọ giá hơn 1 triệu./tháng. Thay vì đi xe buýt dùng thẻ liên tuyến chỉ hơn trăm ngàn như bao sinh viên khác thì cô gái này đi xe máy. Nhiều người cũng đồng tình laptop là thiết bị không nhất định phải có trong năm học đầu tiên với hầu hết là các môn đại cương.

Tuy vậy, câu chuyện của nữ sinh năm nhất có lẽ là câu chuyện chung của rất nhiều sinh viên đi học xa nhà khác. Thế mới thấy được tình yêu thương bao la của bố mẹ, dù có khó khăn đến đâu bố mẹ luôn lo toan tất bật, dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng của mình.

2 trẻ vùng lũ phải nghỉ học vì nghèo, Thủy Tiên nhận nuôi đến hết đại học Cô gái Ê Đê cụt hai tay, cao 1m2 đã vào đại học với gương mặt thiên thần Nhiều đại học cấp học bổng cho sinh viên ở vùng lũ gặp khó khăn
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp