Tiêm chủng vaccine lao là mũi tiêm bắt buộc nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc. Tại Việt Nam toàn bộ trẻ sơ sinh đều được tiêm chủng lao nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tiêm chủng, tức là không có các chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.
Hiện, vaccine phòng bệnh lao sử dụng tại Việt Nam là BCG, được tiêm một liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu đúng để tiêm phòng hiệu quả.
Tiêm BCG không chống lại hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, cho biết BCG có khả năng hạn chế 70% nguy cơ các thể lao nặng và các biến chứng lao nguy hiểm như lao xương, lao khớp, lao kê, lao màng não.
Vaccine phòng bệnh lao được tiêm trong da, liều lượng đối với trẻ dưới một tuổi là 0,05mg BCG/ 0,1ml còn trẻ trên một tuổi 0,1mg BCG/ 0,1ml.
Tiêm BCG có thể không để lại sẹo
Bác sĩ Chính chi biết, trường hợp tiêm không có sẹo không có nghĩa là trẻ sẽ không được bảo vệ, và cũng không nên tiêm lại. Điều cần thiết là cha mẹ phải chắc chắn trẻ đã được tiêm vaccine lao. Nếu bạn không nhớ con mình đã tiêm chủng lao chưa, nên xem lại tiền sử tiêm chủng của trẻ qua sổ tiêm chủng cá nhân hoặc thông báo cho cán bộ y tế truy xuất tiền sử tiêm chủng vaccine.
Thời điểm vàng tiêm BCG là một tháng đến một năm sau sinh
Bộ Y tế khuyến cáo trẻ nên tiêm vaccine phòng lao trong vòng một tháng đến một năm sau sinh vì thời gian này hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập.
Tiêm vaccine phòng lao chỉ hoãn nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, sốt cao hoặc bác sĩ thăm khám và chỉ định. Sau một năm tuổi, tiêm chủng lao chỉ có tác dụng phòng bệnh khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao.
Các bác sĩ cũng lưu ý không tiêm BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng lây truyền sang con, hoặc các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bình luận