Mặc dù tồn tại từ cả thế kỷ nhưng trang điểm tử thi chưa bao giờ được xem là một nghề thực sự. Nguyên nhân xuất phát từ những định kiến của xã hội dành cho công việc này. Tuy bản chất là một công việc đầy tính nhân văn, song những nỗi sợ mơ hồ của con người đã biến công việc làm đẹp cho người chết thành một khái niệm đáng sợ, ít ai dám nhắc đến. Những thợ trang điểm tử thi chuyên nghiệp vì thế cũng tự giấu diếm công việc của mình với chính người thân, sợ bị kỳ thị và xa lánh.
Những người tiếp cận với công việc trang điểm tử thi thường có xuất phát điểm là từ nhân viên trang điểm hoặc làm những việc liên quan tới lĩnh vực này như khám nghiệm tử thi, khâm liệm tại nhà xác. Do ai cũng sợ và ít ai dám làm, người theo đuổi nghề trang điểm tử thi luôn trong tình trạng đắt khách và có một nguồn thu nhập ổn định, dư dả. Tuy vậy, sự ổn định này đôi khi không đi kèm với niềm vui.
Trang điểm tử thi tại Viêt Nam: Sẵn việc, thu nhập cao không kém nhân viên ngân hàng
Chị Định Thị Phương Loan, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ, hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, chị đã bắt đầu công việc trang điểm tử thi được 1 năm và chị quyết tâm lựa chọn công việc này làm “nghiệp” của mình. Dự định của chị Thu là sẽ đi du học để nâng cao nghiệp vụ, biến công việc trở thành dịch vụ chính thức, công khai và chuyên nghiệp hóa.
Trước khi bước chân vào lĩnh vực trang điểm tử thi chị từng là một nhân viên trang điểm. Cái duyên đưa chị đến với công việc khi người bạn thân nhờ trang điểm cho người nhà trước khi làm lễ viếng. Từ đó, chị đã suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển sang làm trang điểm cho tử thi.
Công việc của chị Loan bắt đầu khi xác chết được đưa từ nhà lạnh ra, thay quần áo, lau chân tay và "tẩy trang" làm sạch gương mặt. Chị Loan sẽ đeo găng tay, chải tóc, trang điểm, đánh son môi, sơn móng cho người đã khuất.
Tuy cảm thấy gắn bó và tự hào về nghề của mình, cho tới nay, đã hơn một năm, chị vẫn phải dấu người nhà vì sợ bị phản đối. Hiện chị Loan đang cộng tác với công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) nên công việc khá bận rộn, ít khi được nghỉ ngơi. Thu nhập từ nghề cũng giúp chị có một cuộc sống tốt và dư dả không thua kém một nhân viên ngân hàng.
Cũng chọn nghề trang điểm tử thi và là nhân viên mai táng tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, anh Nguyễn Ngọc Tùng lại được bố mẹ và vợ ủng hộ. Tùng thuận lợi nhờ bố anh cũng từng làm việc tại nghĩa trang Mai Dịch. Sau khi tốt nghiệp ngành điện trường Cao đẳng Công nghiệp, Tùng nối nghiệp cha. Tùng hồn nhiên chia sẻ trên báo giới: có lẽ anh đã quen với người chết nên không sợ hãi khi làm nghề khâm liệm bởi từ bé đã hay theo bố ra nghĩa trang chơi, xem người chết như những linh hồn đáng được kính trọng hay vì sợ hãi.
Sau những lúng túng và lo lắng ban đầu, Tùng bắt đầu quen dần với mọi quy trình như đi lấy xác chết, thay quần áo cho người mất, cho đồ cúng vào quan tài, cách đặt thi hài vào quan tài, trang điểm cho thi hài sao cho tươi tắn và rạng rỡ nhất.
Nhiều năm gắn bó với nghề khiến cho Tùng có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, như có lần phải trang điểm cho tử thi đã thối rữa do chết lâu ngày hay người bị tai nạn giao thông biến dạng khuôn mặt. Nhưng khó khăn tới đâu Tùng cũng vượt qua, hoàn thành công việc và cảm thấy tất cả đã thành quen thuộc.
Trang điểm tử thi ở Mỹ: Kiếm 1,2 tỷ đồng mỗi năm
Tại Mỹ, nghề trang điểm tử thi tuy có thu nhập cao song vẫn là nghề bán chuyên nghiệp. Các chuyên gia trang điểm tử thi thường chỉ làm bán thời gian theo hình thức cộng tác, hợp đồng. Thời gian còn lại, họ vẫn làm thợ trang điểm bình thường tại các cửa hàng làm đẹp. Lý do là các thợ trang điểm muốn cân bằng cuộc sống hơn là cả ngày tiếp xúc với tử thi.
Khác với ở Việt Nam, những người trang điểm cho tử thi tại Mỹ có nhiều “khung” phí cho công việc này. Ví như chỉ sửa tóc mức phí sẽ dao động từ 40 - 60 USD; nếu tai nạn hư hỏng mặt mũi thì mức phí cao hơn rất nhiều bởi còn phải trải qua quá trình phục hồi, chỉnh hình. Thậm chí, cả việc lên ý tưởng tạo hình trang điểm cho người mất theo yêu cầu của người thân cũng phải có phí. Trang điểm kiểu sang trọng, tự nhiên hay điệu đà kiểu cách theo tính cách của người vừa qua đời, để tóc tai và quần áo theo kiểu nào… đều được các chuyên gia trang điểm tử thi tư vấn cho người nhà và lên một "concept" chi tiết trước khi bắt tay vào thực hiện.
Trong một số trường hợp, thợ makeup sẽ phải hỏi ý kiến về việc động chạm đến răng tóc hay các bộ phận của tử thi, vì đôi khi sử dụng hóa chất trang điểm hoặc makeup theo phong cách yêu cầu sẽ phá hoại một số bộ phận nhỏ của người quá cố.
Mức thu nhập của thợ trang điểm tử thi ở Mỹ được ước tính là 29.980 USD/năm với người dưới 3 năm kinh nghiệm, còn thợ có trên 8 năm kinh nghiệm có thể kiếm được 48.220 USD/năm (tương đương khoảng 1, 2 tỷ đồng).
Có thể thấy, dù mang lại thu nhập tốt và giúp ích cho người đã mất cũng như thân nhân của họ, nghề trang điểm tử thi ở Việt Nam hay Mỹ đều có điểm giống nhau là xã hội chưa sẵn sàng đón nhận nó một cách chính thức mà không mang theo tâm lý kỳ thị xuất phát từ nỗi sợ mơ hồ.
Bình luận