Chuyên gia khuyến cáo: Thực phẩm chức năng không thể thay thuốc ngừa đột quỵ
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ năm, 10/12/2020 12:24 (GMT +7)
Các bác sĩ cho biết thực phẩm chức năng hỗ trợ đột quỵ không được gọi là thuốc, không thể dùng thay thế hoàn toàn thuốc điều trị.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) - cho biết, nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng có thể ngừa đột quỵ, trị huyết áp, bỏ hẳn thuốc để chuyển sang dùng, nhưng như vậy là "rất nguy hiểm".
Bởi thực phẩm chức năng không được gọi là thuốc, đó chỉ là chất bổ sung, không thể dùng thay thế hoàn toàn thuốc điều trị.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng cho biết, để ra đời một loại thuốc mang lại hiệu quả điều trị, các nhà khoa học phải tìm hiểu nghiên cứu kỹ, thử nghiệm lâm sàng trên số lượng người dùng lớn sau đó được đưa vào sử dụng.
Ông cũng cho biết, hiện có rất nhiều người chuyển sang dùng thực phẩm chức năng theo quảng cáo dù không hiểu rõ về hiệu quả sản phẩm là hết sức sai lầm. Vì muốn dùng như thế nào cũng đều cần nghe theo chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc.
Bác sĩ Thắng cũng thông tin thêm, những trường hợp từng bị đột quỵ cần tiếp tục sử dụng thuốc để phòng bệnh vì nguy cơ tái phát đột quỵ là rất cao.
Những người bị cao huyết áp, tiểu đường... thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ đột quỵ, do đó cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như điều trị suốt đời và cần tầm soát yếu tố nguy cơ trước khi bị đột quỵ, kiểm soát nó từ rất sớm.
Được biết theo thống kê của thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư, còn tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người cao tuổi.
Dấu hiệu điển hình của căn bệnh này là tê bì hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Trường hợp này cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ.
Khi thấy người bệnh có biểu hiện nói trên cần đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ, không cạo gió, giật tóc hay nặn chanh vào miệng... đồng thời cần loại bỏ các vật trong miệng người bệnh hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở.
Nếu bệnh nhân bị liệt một bên cần đặt nghiêng về bên lành, trường hợp người bệnh không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại.