Mâm lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ hai, 24/01/2022 14:47 (GMT +7)
Mâm lễ cúng Táo quân vào ngày 23 tháng chạp hàng năm thường rất trang trọng và mang nhiều ý nghĩa với các gia đình Việt Nam.
Táo quân lên thiên đình để tâu trình với Ngọc Hoàng những việc tốt xấu trong năm qua của gia đình, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để quyết định sự thịnh, suy của gia đình trong năm tới. Vì vậy, đa phần các gia đình sẽ làm lễ cúng thịnh soạn với hy vọng Táo Quân “ưu ái” mà nói nhiều điều tốt cho gia đình họ, để cầu mong bình an, may mắn trong năm mới.
Trong mâm cúng ông Công ông Táo truyền thống sẽ không thể thiếu những thứ sau.
1. Bộ ông Công ông Táo và tiền vàng mã
Đây là lễ vật không thể thiếu kể từ khi tục này ra đời đến nay. Một bộ ông Công ông Táo đầy đủ sẽ gồm: mũ quan, giày, áo quan, cá chép giấy, mỗi thứ 03 bộ. Mũ ông Công có ba cỗ(chiếc) gồm 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ của Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ của Táo bà thì không có. Vật trang trí truyền thống là các dải kim tuyến và tấm gương nhỏ hình tròn. Ngoài ra, người ta còn mua thêm tiền vàng trong lễ cúng.
» Có thể bạn quan tâm: Lý do không được cầu xin tài lộc khi cúng ông Công ông Táo
Màu sắc của mũ và áo sẽ được thay đổi hàng năm theo thuyết âm dương ngũ hành. Năm hành kim là màu vàng; năm hành mộc màu trắng; năm hành thủy màu xanh; năm hành hỏa màu đỏ, năm hành thổ màu đen. Về sau, để đơn giản hóa đi thì nhiều nhà chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ cánh chuồn kèm áo và đôi hia bằng giấy. Sau khi hoàn thành việc cúng lễ thì sẽ mang hết bộ vàng mã này kèm với bài vị cũ đem đốt để lập bài vị mới cho ban thờ Táo quân trong năm mới.
2. Cá chép
» Có thể bạn quan tâm: Cách chọn cá chép khỏe đẹp để cúng ông Công, ông Táo
Theo truyền thuyết dân gian, Táo quân sẽ cưỡi cá chép để chầu trời, thế nên đồ cúng ông Táo không thể thiếu cá chép. Có thể dùng cá chép sống hoặc cá chép giấy, cá chép sống thì phóng sinh còn cá giấy thì đốt. Phải có đủ 3 cá chép cho 3 vị Táo quân dù là dùng cá thật hay cá giấy, miền Bắc người ta hay cúng cá chép sống thả trong chậu nước với ngụ ý “cá chép hóa rồng”, còn ở Nam bộ thì phổ biến dùng cá chép giấy nhiều hơn.
3. Mẫm cỗ cúng ông Công ông Táo
Một lễ cúng Táo quân đầy đủ sẽ có 1 mâm cỗ chay và 1 mâm cỗ mặn. Cỗ chay thường là hoa quả, trầu cau, xôi gấc, chè kho, trà sen, 03 chén rượu trắng, gạo, muối…
Còn mâm cỗ mặn truyền thống thường gồm các món sau: Gà hoặc chân giò luộc, canh mọc hoặc canh măng, giò, đĩa xào thập cẩm, bánh chưng, nem rán (chả giò). Trên ban thờ sẽ bày thêm 1 lọ hoa cúc và 1 lọ hoa đào.
» Có thể bạn quan tâm: Nguồn gốc của Táo quân và ý nghĩa của ngày tiễn ông Táo về trời
Ngày nay thì mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đã được đơn giản đi rất nhiều, không bắt buộc phải có đủ các món như mâm cỗ truyền thống xưa. Gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng với 3 món là đã được. Các gia đình có thể tùy chỉnh các món ăn trong mâm cúng sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền, điều kiện kinh tế cũng như khẩu vị.