Liều vắc xin Covid-19 thứ 3 đạt hiệu quả tối đa trong thời gian bao lâu?
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ tư, 02/03/2022 12:24 (GMT +7)
Tiêm mũi 3 tăng cường là điều cần thiết để tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể được tăng lên nhằm chống lại virus SARs-CoV-2.
Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine là gây miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra và theo thời gian khoảng 4-6 tháng sau khi tiêm vaccine, kháng thể sinh ra từ hai liều vaccine cơ bản bị suy giảm dần. Chính vì vậy, tiêm nhắc lại (tiêm mũi 3 tăng cường) là điều cần thiết, để tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên nhằm chống lại tác nhân gây bệnh là SARs-CoV-2.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo của hãng dược Moderna mới đây đã cho biết, sau khoảng 9 tháng, khả năng bảo vệ của mũi tiêm thứ 3 sẽ giảm dần, dù 2 mũi tiêm ban đầu thuộc loại nào. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho biết, liều nhắc lại trong vòng 2 tháng có hiệu quả 91% trong ngăn ngừa nhập viện. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 78% sau 4 tháng.
>>> Xem thêm: Chuyên gia chỉ cách hạ sốt nhanh khi trẻ là F0 mà không cần dùng thuốc
Trong 2 tháng đầu tiên khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ trở nặng nghiêm trọng sẽ đạt 87% và sau 4 tháng con số này giảm xuống 66%.
Nghiên cứu trước đó của CDC cũng đưa ra nhận định, kể từ khi biến thể Omicron thống trị, khả năng bảo vệ của 2 liều vắc xin đã giảm đi, nhưng liều thứ 3 sẽ giúp hệ miễn dịch trở lại mức mạnh mẽ để ngăn ngừa bệnh vừa và nghiêm trọng.
Trong cuộc họp báo cáo quý 4, Moderna cho biết, công ty coi vắc xin dành cho đường hô hấp là tương lai lâu dài của mình. Đồng thời cho biết, họ đã vạch ra chiến lược liên quan đến một loại vắc xin tăng cường đặc biệt cho biến thể Omicron.
Đại diện Moderna cũng chia sẻ, họ hy vọng phiên bản cập nhật vắc xin tăng cường sẽ được đưa ra thị trường vào mùa thu - cũng là thời điểm mà mũi 3 vaccine ngừa Covid được tiêm vào cuối năm 2021 bắt đầu suy giảm khả năng bảo vệ.
Đồng thời đại diện Moderna cũng cho biết, công ty hiện đang thử nghiệm công thức vắc xin ban đầu của mình, mũi tiêm đặc hiệu với Omicron và sự kết hợp của cả hai đối với mũi tiêm thứ 4. Cụ thể, Giám đốc y tế Paul Burton cho biết: “Rõ ràng SARS-CoV-2 là một loại virus có khả năng tạo ra những bước tiến hóa rất lớn về cấu trúc và chức năng”."Chúng tôi hy vọng Bắc bán cầu sắp bước vào thời kỳ ổn định tương đối. Chúng tôi tin chắc sẽ cần thêm một liều vắc xin tăng cường vào mùa thu năm 2022 để cung cấp sự bảo vệ liên tục chống lại loại virus này”.
Liên quan đến mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 thứ 4, Chile vào hồi đầu năm 2022 đã tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ 4 cho những người bị suy giảm miễn dịch. Trước đó Israel kể từ tháng 12/2021 cũng đã cho phép tiêm mũi thứ 4 với người lớn từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Tuy nhiên về mũi tiêm thứ 4 này, hiện Cơ quan quản lý thuốc của Liên minh Châu Âu vẫn bày tỏ nghi ngờ về việc cần thiết của nó. Dù vậy, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã từng cho biết rằng, vào cuối năm nay họ có thể cho phép thực hiện mũi thứ 4, nhưng cơ quan quản lý sẽ cần thêm nhiều dữ liệu trước khi đưa ra quyết định cụ thể.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tổ chức tối ngày 27/2 tại Hà Nội, rằng hiện đang yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan tập trung nghiên cứu về việc tiêm mũi thứ 4.