Mặc quần chật, đi giày cao gót: Thói quen xấu gây bệnh chết người ở phụ nữ.
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 30/11/2020 17:21 (GMT +7)
Ít ai biết thói quen bình thường của chị em phụ nữ: mặc quần chật, đi giày cao gót lại là nguyên nhân gây ra căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình một ngày có khoảng 20 bệnh nhân đến khám vì các vấn đề liên quan tới suy giãn tĩnh mạch. Bệnh lý này đang có dấu hiệu tăng dần theo các năm và trẻ hóa dần.
Theo thạc sĩ Khổng Tiến Bình – Trưởng khoa nội can thiệp hô hấp bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, 5 bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới thì có tới 4 bệnh nhân là nữ giới.
Nguyên nhân tỷ lệ bệnh này ở nữ giới nhiều hơn chủ yếu xuất phát từ việc lựa chọn trang phục. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch hoặc do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên... cũng là nguyên nhân của bệnh lý này.
Thói quen đi giày cao gót khiến cho vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người đi giày bệt. Khi mặc quần áo quá bó sát khiến toàn bộ vùng chậu hông và đùi ép vào phần mềm trong đùi làm hồi lưu tĩnh mạch khó hơn.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng tĩnh mạch chi dưới bị giảm chức năng. Dẫn đến tình trạng máu ứ nhiều trong tĩnh mạch làm chân bị phù, hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và nếu điều trị không tốt các cục máu đông có thể trôi theo dòng máu về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Các dấu hiệu của bệnh có thể dễ dàng phát hiện như: cẳng chân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn, người bệnh có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân sưng đỏ, nổi rõ và viêm cứng các tĩnh mạch nông...
Để phòng bệnh, bác sĩ Khổng Tiến Bình cho biết chị em phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót, hạn chế mặc quần bó sát (đặc biệt là vùng hông chậu). Đồng thời thay đổi thói quen đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài. Khi bắt buộc phải ngồi lâu một chỗ cần phải gấp, duỗi chân thường xuyên cho máu lưu thông.
Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, kiểm soát cân nặng để chống táo bón (những người bị táo bón có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch nhiều hơn). Đặc biệt, phụ nữ cần có thói quen khám sức khoẻ và kiểm tra suy tĩnh mạch chân để biết sớm và điều trị kịp thời.