Người đàn ông nhận nuôi 292 đứa con
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ tư, 21/10/2020 16:13 (GMT +7)
18 năm qua, ông Nguyễn Trung Chắt (ở phố Núi Trúc, Q.Ba Đình, Hà Nội) đã nhận về nuôi dạy 292 trẻ mồ côi. Nhiều người trong số đó trở thành cử nhân, thạc sĩ.
Ông Nguyễn Trung Chắt sinh năm 1952, là một cựu chiến binh về hưu. Từ năm 2002 đến nay, ông đã sáng lập và xây dựng 3 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập mang tên Hy Vọng để nuôi dạy trẻ mồ côi tại tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn, trong đó trung tâm mới nhất tại Hữu Lũng, Lạng Sơn mới thành lập vào hồi đầu năm 2020.
Sau 18 năm hoạt động, ông đã nuôi dạy 292 trẻ bất hạnh, trong đó 177 em đã trưởng thành. Nhiều em được học cao đẳng, đại học, có người trở thành thạc sĩ. Hành trình nuôi dạy gần 300 đứa trẻ của ông được xem như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Những đứa trẻ mà ông Chắt nhận nuôi đều có hoàn cảnh đặc biệt, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ; đứa mồ côi bố, mẹ không nuôi nổi vì đông con; đứa thì mồ côi mẹ, phải ở với ông bà già yếu không có khả năng nuôi dạy. Đa phần trẻ nhỏ được ông nhận nuôi ở lứa tuổi từ 6-12. Một số trường hợp đặc biệt, ông Chắt đón về từ khi mới lọt lòng.
Để quản lý các con ở 3 trung tâm, ông phải đi lại mỗi tháng cả nghìn ki lô mét về sinh hoạt, ăn ở cùng các con và dạy dỗ chúng.
Cứ 5 giờ 30 sáng, ông gõ kẻng gọi các con dậy tập thể dục. Ông dạy các con cách trồng rau, nuôi lợn, kỹ năng vệ sinh cá nhân... Đồng thời, ông phải làm việc như một “quan tòa”, giải quyết cả chuyện chúng đánh cãi nhau, các lỗi được các mẹ nuôi ở trung tâm ghi lại.
Đặc biệt, khi nuôi dạy những đứa trẻ bất hạnh và vốn thiếu nền tảng giáo dục của gia đình, ông đã nhiều lần phải “vắt óc” để xử lý những tình huống éo le.
Có những lần 10 giờ đêm, ông đang ở Hà Nội thì nhận được điện thoại của các mẹ nuôi ở Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu (Hưng Yên), báo tin 3 “ông con” mất tích. Ông tức tốc chạy đến nơi lúc gần 1 giờ sáng, đi lục tung các quán xá ở TP.Hưng Yên lên, gần 2 giờ sáng thì bắt được 3 “ông” đang chơi điện tử.
Đưa về đến nhà, ông cho mỗi đứa vào một góc ở sân và bảo: “Bác cho con ngồi vào đây, bác cũng ngồi đây, muỗi cắn các con sẽ cắn cả bác. Lẽ ra giờ này bác đang ngủ. Vì các con, bác phải đi từ Hà Nội về đây. Bao giờ các con nhận thấy điều mình làm sai thì bác mới nói chuyện”, ông Chắt nhớ lại và bảo phải làm như thế thì mới dạy dỗ được các con.
Kể về ông, bà Nguyễn Thị Với, một mẹ nuôi ở Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu đã làm cùng ông 18 năm nay, xúc động nói: “Là đàn ông, nhưng bác chăm lo cho các con như người mẹ. Bác ấy lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Những khi trời trở rét, đang đêm bác ấy cũng từ Hà Nội về, vào từng phòng kiểm tra xem các con đã mặc áo ấm chưa, quàng khăn chưa, đi tất chưa... Chúng tôi rất cảm động, luôn lấy bác làm gương và mong muốn giúp sức với bác, góp một phần nào để cho bác đỡ vất vả”.