Sáng 28/4, không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn rất "nóng"

Sáng 28/4, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính với Covid-19 mới, thêm 59.000 người được tiêm vaccine Covid-19, nâng tổng số người đã tiêm lên 318.792.

Như vậy, trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.857, số khỏi 2.516. Các bệnh nhân đang điều trị đa số sức khỏe ổn định, trong đó 13 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 15 người âm tính lần hai và 20 người âm tính lần ba.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là hơn 38.000. Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 518, tại cơ sở khác là hơn 23.000, còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thế giới hiện ghi nhận gần 150 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 3,1 triệu người đã tử vong. Đứng thứ nhất về số ca mắc là Mỹ, sau đó là Ấn Độ và Brazil.

Tuy nhiên, hiện tại Ấn Độ đang trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới với số ca mắc mới trong 24 giờ qua ghi nhận ở mức rất cao, hơn 323.000 ca, cũng là ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm mới trên mức 300.000 một ngày. Các bệnh viện đều đã quá tải, thiếu hụt oxy trầm trộng, người chết thì xếp thằng hàng dài, thậm chí không còn chỗ để phải nằm chung phòng với bệnh nhân đang điều trị, tạo nên một thảm kịch chưa từng có.

Trước tình hình trên, nhiều nước, trong đó có Thái Lan, Malaysia và Australia, đã thông báo tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ do lo ngại nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Đông Nam Á hiện cũng đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng tại 3 quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong phòng chống đợt dịch năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan.

Theo đó, vào chiều qua 26/4, Lào ghi nhận thêm 113 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, Lào ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức 3 con số.

Tổng số ca ở Campuchia đã vượt 10.000 sau khi thêm 580 ca nhiễm trong ngày 26/4. Phần lớn số ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 20/2. Chính phủ Campuchia gia hạn lệnh phong tỏa thêm 7 ngày tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao đến ngày 5/5 tới để ngăn chặn đà lây lan của dịch.

Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok đang là tâm điểm của làn sóng dịch thứ ba với 9.076 ca mắc mới từ đầu tháng này, gấp ba lần so với điểm nóng thứ hai là tỉnh Chiang Mai. Chính quyền Bangkok bắt buộc đeo khẩu trang nhằm giảm dần số ca mắc mới ở thành phố này, đồng thời đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong hai tuần kể từ ngày 26/4.

Liên quan đến vaccine, ngày 26/4 vừa qua, Mỹ thông báo sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các nước khác. Được biết, hiện tại Mỹ đang có sẵn hàng triệu liều vốn chưa được cấp phép sử dụng trong nước, song nhiều quốc gia khác đã cho phép và sử dụng. Loại vaccine này có thể quan trọng trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca nhiễm ở nhiều nước, đặc biệt là ở Ấn Độ.

Tại Việt Nam, khoảng một tháng qua cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, song số ca nhiễm nhập cảnh tăng hàng ngày, có hôm hơn 25 ca. Kể từ ngày 27/1 bùng phát đợt dịch liên quan Hải Dương, Quảng Ninh đến nay, tổng ca nhiễm cộng đồng duy trì 911.

Bộ Y tế đã phát cảnh báo nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào nước ta rất cao nếu không kiểm soát chặt đường biên giới, đặc biệt với Campuchia. Ngành y tế đang lập bệnh viện dã chiến tại cửa khẩu Hà Tiên và thành phố Cần Thơ và kiểm soát chặt biên giới, ngăn chặn dịch xâm nhập.

Riêng người dân vẫn được khuyến cáo tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc.

Bài liên quan

News feed