Tại sao tỷ phú Mỹ dành phần lớn tài sản cho người xa lạ thay vì cho con?
- An Diệp Phi
- Đăng lúc: Thứ ba, 10/11/2020 18:03 (GMT +7)
Nhiều tỷ phú có tên tuổi lừng lẫy như Berkshire Hathaway, Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg đều không dành hết tài sản cho con. Vì sao họ làm thế?
Đổ bao mồ hôi xương máu để có được khối tài sản khổng lồ nhưng nhiều tỷ phú quyết định sẽ trao đi hơn nửa tài sản trong suốt cuộc đời tích góp cho những người xa lạ thay vì con cái họ. Vì sao vậy?
Giàu có không phải để chiều hư con
Tờ Forbes dẫn lời bà Lucy Birtwistle - Giám đốc quan hệ khách hàng của hãng Stonehage Fleming: “Tôi đã từng làm việc với nhiều thành viên thế hệ thứ hai, thứ ba trong các gia đình giàu có. Một số người nghĩ rằng “Tại sao tôi phải học đại học? Để làm gì? Sẽ không ai ấn tượng với những việc tôi làm, bởi bố mẹ tôi đã quá thành công rồi”.
Công việc của bà Lucy là gặp con cái của những gia đình giàu có và cố gắng tìm ra mục đích, tầm nhìn của họ. "Ai cũng cần có một mục đích, một lý do để thức dậy vào sáng sớm", bà nói. Những đứa trẻ quá đầy đủ thường mất đi động lực, mục đích để cố gắng. Sướng từ nhỏ, con cái sẽ không có áp lực kiếm tiền.
Sandy Loder - Giám đốc AH Loder Advisors cũng đồng ý với quan điểm trên. Công ty của ông chuyên giúp các công ty gia đình xử lý vấn đề liên quan đến thế hệ sau. "Phần lớn vấn đề xuất phát từ các bậc cha mẹ. Chủ yếu là thiếu tình thương khi con cái còn nhỏ. Một số người trẻ chỉ đắm chìm trong tiền, chất kích thích và không có áp lực kiếm việc làm", ông nói.
Khi mạng xã hội xuất hiện, các vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn. Đó là nơi họ đăng ảnh về cuộc sống giàu sang để ganh đua với nhau. "Tôi có một khách hàng mỗi phút lại kiểm tra điện thoại một lần. Tôi phải bảo cô ấy ngừng sử dụng mạng xã hội", Loder cho biết.
Cuộc sống quá giàu sang và dễ dàng từ nhỏ có thể khiến những đứa trẻ đánh mất động lực phấn đấu. Điều đó khiến nhiều tỷ phú bắt đầu cân nhắc lại chuyện cho con hưởng thừa kế.
Bill Gates muốn sự công bằng ngay cả với con mình
Hãy tưởng tượng bạn được trao mọi thứ mình muốn khi còn trẻ. Khi đó, bạn không thực sự cần phải làm việc vì gia đình bạn đã có quá đủ tiền và nguồn lực. Của cải khiến người ta không còn động lực. Càng được cho nhiều tiền khi còn trẻ, con người sẽ càng ít đam mê và động lực, các chuyên gia tư vấn tài sản cho biết. Nhiều tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg đều ký Giving Pledge - cam kết dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện...
Đầu tháng 1/2020, trên trang cá nhân, Bill Gates đăng bài chia sẻ những suy nghĩ về tiền bạc. Trong đó, ông tự nhận sự giàu có của mình "thể hiện sự bất công của nền kinh tế". Nhà sáng lập Microsoft viết: "Rất ít người nhận được mức lương tốt. Tôi được thưởng một cách không tương xứng với những gì mình đã làm, trong khi những người khác phải vật lộn".
Theo Gates, để cải thiện sự bất công trên, chính phủ nên tăng thuế đối với người giàu, cụ thể là thuế trên thặng dư vốn và thuế bất động sản. Đặc biệt, những bố mẹ giàu có không nên để hết tài sản cho con cái thừa kế. "Việc để lại toàn bộ gia sản trị giá hơn 108 tỷ USD của mình sẽ khiến các con mất động lực làm việc và đóng góp cho xã hội... Không phải cho trẻ một khối tài sản khổng lồ là tốt cho chúng. Việc đó làm méo mó những gì trẻ có khả năng làm được để tạo dựng con đường riêng của mình", Gates nhận định. Ông giải thích thêm về lý do tại sao chỉ để lại cho mỗi người con một khoản tài sản “nhỏ nhoi”: 10 triệu USD so với khối tài sản khổng lồ của mình để có thể tự khởi nghiệp cũng như đảm bảo cuộc sống: “Chúng tôi muốn các con được tự do làm điều mình thích nhưng không lười biếng”. Rất thú vị là cả ba người con của gia đình ông đều vui vẻ đồng ý với quyết định của bố mẹ.
Phần lớn khối tài sản khổng lồ còn lại của Gates sẽ được dùng làm từ thiện thông qua quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates mà Bill Gates và vợ đang điều hành.
Theo nhà sáng lập Microsoft, thay vì nhận được những khoản tiền lớn nhiều tỷ USD được thừa kế từ khối tài sản của mình, các con của Bill Gates sẽ nhận được một nền giáo dục tốt để có thể tự khởi động sự nghiệp của riêng mình.
"Những đứa con của tôi sẽ được tận hưởng một nền giáo dục tuyệt vời và một khoản tài chính để đảm bảo chúng không bao giờ nghèo đi, tuy nhiên chúng phải ra ngoài để tự xây dựng sự nghiệp của mình".
Hủy… thừa kế và dành 100% tài sản làm… từ thiện
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là CEO, chủ tịch của Berkshire Hathaway - nắm cổ phần tại nhiều công ty đình đám như Coca-Cola, Kraft Heinz, American Express, Duracell, Apple... Ông được tờ Forbes gọi là "nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại".
Ngoài đầu tư, đam mê lớn khác của ông là làm từ thiện. Tỷ phú này có kế hoạch dành 100% tài sản của mình cho các quỹ từ thiện khác nhau sau khi qua đời và không để lại gì cho các con. Buffett dự định sẽ trao một số cổ phiếu Berkshire Hathaway trị giá khoảng 2,1 tỷ USD cho quỹ từ thiện của các con.
Phần lớn tài sản của Buffett sẽ được quyên tặng cho quỹ Bill & Melinda Gates Foundation - do vợ chồng tỷ phú Bill Gates sáng lập, và một phần dành cho quỹ Susan Thompson Buffett Foundation - do ông thành lập và lấy tên người vợ đầu tiên của ông.
Tỷ phú Michael Bloomberg là người sáng lập, CEO của công ty truyền thông, dữ liệu tài chính Bloomberg L.P. Ông là người giàu thứ 14 trên thế giới, theo thống kê của Bloomberg.
Cựu thị trường thành phố New York từng tuyên bố sẽ dành toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện trước khi qua đời, trong đó, phần lớn được quyên góp cho quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies. Hai con gái của ông, Georgina và Emma Bloomberg, hiện đều tham gia các hoạt động từ thiện của riêng mình.
Tỷ phú Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook và vợ Priscilla Chan cũng đã đồng ý cho đi 99% cổ phần Facebook họ hiện nắm giữ để "nâng cao tiềm năng con người và đem đến sự bình đẳng cho mọi đứa trẻ mai sau". Zuckerberg và Chan đều tham gia Cam kết Cho đi - sáng lập bởi Warren Buffett và Bill Gates. Người tham gia sẽ cho đi hơn nửa tài sản trong suốt cuộc đời.
Mark Zuckerberg là một trong những tỷ phú hứa quyên góp phần lớn tài sản của mình cho xã hội.
Alex Shih - con trai tài phiệt bất động sản Hong Kong - Wing-Ching Shih cũng không được hưởng nhiều của cải gia đình, khi người cha làm từ thiện toàn bộ cổ phần trong công ty.
"Tôi chấp nhận", anh cho biết, "Ông ấy đã nói chuyện này từ khi chúng tôi còn rất nhỏ rồi. Và chúng tôi không có lựa chọn nào cả. Ông ấy nói tốt nhất là không nên có một cuộc sống quá thoải mái một cách dễ dàng. Các con sẽ biết trân trọng nhiều hơn nếu đạt được mọi thứ từng bước một".
5 năm trước khi qua đời, năm 2010, ông trùm khách sạn và bất động sản Hồng Kông, Trung Quốc Yu Pang Lin, người nhiều năm liền đứng đầu danh sách những người hào phóng nhất của Hurun, tuyên bố cho đi toàn bộ tài sản của mình.
Ông là tỷ phú người Trung Quốc đầu tiên quyết định dành toàn bộ tài sản làm từ thiện thay vì để lại cho con cháu như truyền thống thường thấy của người phương Đông.
Người đàn ông xuất thân nghèo khó và đã chọn cách cho đi tất cả. Bên cạnh ý nghĩa với những người nghèo khổ, cách ông Yu, một tỷ phú phương Đông, chọn cho đi toàn bộ tài sản thay vì để cho con thừa kế cũng để lại nhiều ấn tượng trong cách nuôi dạy con cái.
"Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi", ông Yu chia sẻ lúc sinh thời.
Mạnh tay dạy con và cách để con vươn lên của nhà giàu
Không chỉ các tỷ phú có xu hướng làm từ thiện thay vì đưa cho các con. "Tôi biết nhiều trường hợp cha mẹ chỉ để lại con cái một phần nhỏ, đủ sống", James Fleming - CEO Công ty tư vấn đầu tư cho gia đình - Sandaire cho biết.
Một khảo sát của hãng quản lý tài sản Canada Life (Anh) đầu năm 2019 cho thấy một trong năm triệu phú Anh tuổi trên 45 không có kế hoạch để lại tài sản cho con. Gần nửa trong 1.000 người được khảo sát cho biết sẽ tiêu số này trước khi qua đời. Còn 9% sẽ để làm từ thiện.
Đó là phương pháp mạnh tay của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu muốn tạo động lực thực sự cho con cái, Loder cho rằng chỉ có một cách là khiến họ sợ hết tiền. Cách này càng có hiệu quả với những cậu ấm cô chiêu chưa từng phải lo lắng về tiền bạc, Loder cho biết. "Hãy trực tiếp chỉ cho họ thấy hậu quả nếu cứ tiếp tục lối sống như vậy, và họ sẽ phải thay đổi", ông kết luận.
Theo chuyên gia Loder, việc không để các con nghiễm nhiên được hưởng một khối tài sản khổng lồ cũng là một cách để các tỷ phú rèn rũa con cái, những người chưa bao giờ phải sống trong cảnh khó khăn. Họ muốn chỉ rõ những hậu quả nghiêm trọng của lối sống buông thả để con cái mình hiểu và thay đổi.
Tư duy này hoàn toàn không hiếm ở các nước phương Tây nhưng thực sự là quan điểm đột phá với người phương Đông, nơi những giá trị gia đình vẫn được đề cao.
Có thể nói, tùy quan điểm của mỗi người, cách làm của tỷ phú Yu và nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới có thể được khen chê nhưng chắc chắn một điều những người đàn ông này sẽ có những người con biết tự lập và hiểu giá trị của lao động. Trên một phương diện nào đó, những điều này còn quý hơn vàng.