Học sinh lớp 2 đòi nhảy sông tự tử chỉ vì cãi nhau với bạn
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ ba, 01/12/2020 17:05 (GMT +7)
Phụ huynh của cháu bé cho biết, chỉ vì cãi nhau với bạn mà cháu chạy ra sông đòi tự tử.
Theo TS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ ngày càng gia tăng nhưng nhiều cha mẹ không biết và thường không để ý hoặc còn có ý kiến cho rằng trẻ nhỏ đã biết gì đâu mà trầm cảm.
Bác sĩ Loan cho hay, hầu như tuần nào khoa cũng tiếp nhận 2, 3 cháu đến khám với triệu chứng trầm cảm, đặc biệt có cháu từng muốn tự tử, như trường hợp của cháu N.L.C, 11 tuổi, ở Hà Nội. Cháu được ba mẹ đưa vào khám bệnh vì bé luôn buồn rầu, thay đổi tâm lý.
Bố mẹ C. cho hay, khoảng 1 năm nay tâm lý của cháu thất thường, dễ cáu gắt, luôn cho rằng mình bị ra rìa, không ai quan tâm từ khi có em trai.
Thậm chí có những lúc C. hét lên, đánh em, đặc biệt có lần cô bé lấy chiếc compa ra chọc vào tay gây chảy máu. Khi được hỏi nguyên nhân thì bé nói rằng làm như vậy vì không thích bản thân mình, cảm thấy chán ghét cuộc sống. Sau đó bác sĩ cho bệnh nhân điều trị tâm lý và dần ổn định hơn, không còn ý nghĩ tự huỷ hoại bản thân và ganh ghét em trai mình nữa.
Và gần đây nhất, TS Đỗ Minh Loan cho biết khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận trường hợp học sinh lớp 2 vì cãi nhau với bạn mà trẻ chạy ra sông đòi nhảy xuống sông tự tử.
Đồng thời TS Loan cũng thông tin thêm, có rất nhiều trẻ còn nhỏ tuổi nhưng đã đến điều trị vì suy nghĩ tiêu cực như muốn nhảy từ tầng 2 xuống đất để chết.
TS Loan khuyến cáo, trẻ em ở tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh do đó cha mẹ cần làm bạn cùng con, để chia sẻ và nắm bắt tâm lý trẻ.
Điều này là cực kỳ quan trọng để ngăn chặn tình trạng trầm cảm gia tăng ở trẻ nhỏ, vì theo TS Loan nhiều cha mẹ đưa con vào khám nhưng vẫn cho rằng con mình không sao, xem thường các dấu hiệu tâm lý của trẻ, do đó rất dễ xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, 8%-29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Còn theo báo của của các nghiên cứu trong nước, 87% trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% trẻ em trầm cảm; 23,7% trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5 % lo âu.
PGS.TS Đặng Hoàng Minh - Giám đốc dự án - thông tin về bệnh tâm thần ở Việt Nam, chỉ số rối loạn tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là khoảng 2 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên cần trị liệu tâm lý. Việc phát hiện muộn trẻ có vấn đề về tâm lý dẫn đến nhiều người không biết dấu hiệu rối loạn tâm thần, nên giúp đỡ muộn, làm suy giảm chức năng của cuộc sống.