Theo Reuters, nhóm người chuyển giới này thường được gọi là "Hijras". Họ là những người luôn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong xã hội và thường phải sống trong cảnh nghèo đói, khổ cực.
Hầu hết, các "Hijars" không được gia đình chấp thuận. Họ bị đuổi ra khỏi nhà ngay từ khi còn nhỏ và không được giáo dục. Vì vậy, rất nhiều người buộc phải đi ăn xin hay hành nghề mại dâm để mưu sinh.
“Những người chuyển giới cũng là con người. Họ có quyền được học hành và sống cuộc đời đúng nghĩa”, Abdur Rahman Azad, một trong những giáo sĩ của tổ chức từ thiện chia sẻ.
Được biết, nhóm từ thiện đã cải tiến một tòa nhà ba tầng thành khu học chánh. Tại đây, các sinh viên sẽ được học kinh Qur’an, các nguyên tắc cơ bản của đạo Hồi cũng như tiếng Bengali, ngôn ngữ Anh, Toán học và đào tạo nghề.
“Chúng tôi có kế hoạch mở trường cho các em trên cả nước để mọi người đều có thể đi học. Ngôi trường này ban đầu có hơn 100 sinh viên. Chúng tôi mong muốn biến họ trở thành nguồn nhân lực mới cho Bangladesh”, Azad nói thêm.
Theo thông tin từ Chính phủ Bangladesh, ước tính nước này có 10.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ nhân quyền cho hay con số đó có thể lên tới 1,5 triệu người trên tổng dân số hiện tại của Bangladesh là 160 triệu người.
Trước đó, vào năm 2013, những "Hijras" được chính phủ nước này công nhận là giới tính thứ 3, tôn trọng nhân quyền của họ. Tuy nhiên, hàng triệu người chuyển giới vẫn bị cộng đồng xa lánh, tước quyền sống. Nhiều người tại Bangladesh vẫn xem tình dục đồng giới là bất hợp pháp.
Vì vậy, việc nhóm từ thiện thành lập một ngôi trường dành cho người chuyển giới được xem là tia sáng hy vọng với cuộc đời vốn chịu nhiều bất công của họ.
“Tôi rất xúc động. Chúng tôi luôn bị coi thường và không được công nhận, dù bất kể ở đâu, ngay cả trong ngôi nhà của mình. Tôi muốn cho xã hội thấy chúng tôi có thể đứng ngang hàng với mọi người. Cuộc đời của chúng tôi có ý nghĩa nhiều hơn thế”, một sinh viên của trường nghẹn ngào chia sẻ.
Bình luận