Bánh rế Phan Thiết, món đặc sản dân dã được nhiều người tìm mua khi đến Bình Thuận

Rin Chen Đăng lúc: Thứ hai, 17/01/2022 12:22 (GMT +7)
Không chỉ được biết đến như một món đặc sản, bánh rế còn được nhiều người chọn làm món lót dạ trước khi bước vào hành trình khám phá Bình Thuận.
Hashtag #Du lịch Phan Thiết #Các món bánh Việt Nam #Đặc sản Việt Nam #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Bình Thuận là một điểm đến quen thuộc đối với nhiều người yêu thích du lịch. Nhắc đến Bình Thuận, nhiều người sẽ nghĩ đến những điểm du lịch đẹp như đảo Phú Quý, Mũi Né, mũi Kê Gà, biển Cổ Thạch… hay những món ngon khó cưỡng như răng mực nướng, gỏi ốc giác… Ngoài ra, khi đến thăm Phan Thiết, Bình Thuận, nhiều người sẽ nhớ đến bánh rế, một món ăn vặt giòn thơm, béo ngậy.

Mặc dù hiện nay, bánh rế là món bánh phổ biến tại Phan Thiết, Bình Thuận. Thế nhưng món bánh đặc biệt này thực chất có nguồn gốc từ Phan Rang, Ninh Thuận. Nguyên liệu chính để làm bánh rế khá đơn giản, thường là từ khoai lang hoặc khoai mì (sắn). Tuỳ vào từng cơ sở làm bánh rế mà món bánh này sẽ có hương vị, mùi thơm và nét đặc trưng riêng.

Ảnh: Khánh Vy.
Ảnh: Khánh Vy.

Sở dĩ món ăn này mang tên “bánh rế” vì ngoại hình khá giống những chiếc rế dùng để lót xoong nồi của người dân nông thôn. Thoạt nhìn, một chiếc bánh rế trông khá đơn giản khi được tạo thành từ những sợi khoai lang hay khoai mì xoắn vào nhau, thế nhưng để làm được một chiếc bánh rế giòn ngọt, hấp dẫn thì người làm bánh phải rất tỉ mỉ và khéo léo.

Ảnh: @da_thaoooo.
Ảnh: @da_thaoooo.

Đầu tiên, người làm sẽ phải lựa chọn cẩn thận những củ khoai lang hay khoai mì không quá non cũng không quá già. Sau đó nguyên liệu sẽ được đặt vào thau nước và ngâm trong vài giờ đồng hồ cho bớt nhựa rồi mới được gọt vỏ và bào thành các sợi nhỏ. Những sợi khoai lang hay khoai mì phải được bài thật đều nhau để khi chiên sẽ đan xen vào nhau và tạo thành hình đẹp mắt. Để bánh có mùi thơm hấp dẫn hơn, người làm bánh thường cho thêm một chút vani vào và trộn đều. 

Bánh rế Phan Thiết thường có hai loại chính là bán rế màu vàng và bánh rế màu tím đỏ. Bánh rế màu tím đỏ thường sử dụng nguyên liệu chính là khoai lang Dương Ngọc, vì vậy nên có giá thành cao hơn loại bánh rế màu vàng làm từ khoai lang hay khoai mì bình thường.

Ảnh: Khánh Vy.
Ảnh: Khánh Vy.

Đặc biệt, khi chiên bánh rế, người làm bánh sẽ sử dụng dầu dừa để bánh có mùi thơm đặc biệt hơn và bánh không ảnh hưởng đến sức khoẻ dù được chiên ở nhiệt độ cao. Sau khi sơ chế nguyên liệu xong, người ta sẽ bắc một chiếc chảo lên bếp. Tiếp đó, họ bốc một nắm khoai lang, khoai mì bào sợi vào muỗng cán dài và nhanh tay nhúng vào chảo dầu đang sôi.

Để khoai không bị dính thành cục và chín đều hơn thì người ta phải dùng đũa để đảo nhẹ nhàng vào sợi khoai. Lúc này, dầu nóng sẽ làm khoai chín và dính chặt vào nhau, tạo thành hình dáng tựa những chiếc rế lót nồi. 

Bánh rế thường được rắc thêm một chút vừng trắng rang.
Bánh rế thường được rắc thêm một chút vừng trắng rang.

Sau khi đã có một rổ bánh rế được chiên chín, bánh sẽ được nhúng vào một chảo đường tan chảy và rắc thêm chút mè trắng rang vàng để bánh thêm đậm đà và hấp dẫn hơn. Những chiếc bánh rế Phan Thiết không chỉ nổi bật với vị giòn thơm mà còn hoà quyện với vị ngọt nhẹ của đường và bùi bùi của vừng rang. 

Hiện tại ở Phan Thiết vẫn còn rất nhiều lò bánh rế truyền thống tại phường Phú Thành, Lạc Đạo, Đức Thắng… Nếu có dịp đến thăm Phan Thiết, Bình Thuận, đây chắc chắn là điểm đến thú vị dành cho bạn. 

7 món ngon ở Phan Thiết khiến du khách không khỏi nhớ nhung 5 món ngon khó cưỡng, giải đáp cho câu hỏi "Ăn gì ở Phan Thiết" Du lịch Phan Thiết có gì: 3 khu chợ nổi tiếng nhiều đồ ăn ngon nên ghé
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp