Một thời gian dài lướt Tiktok tôi “ám ảnh” với lời nhạc “Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi. Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt. Sâu trong màu mắt có chút tiếc nuối phút cuối chỉ vì em đâu hề sai em đâu thể mãi để trái tim đau.”
Nhiều khi tôi cũng thấy khó chịu vì sao có một bài mà lại trend lâu như thế. Bản tính của con người là tò mò, hoặc đó cũng chỉ là bản tính của riêng mình tôi. Tôi quyết định lên Youtube tìm để có thể nghe hết cả bài, tôi phải xem xem bài ấy ai hát, nghe cả bài sẽ như nào, lời nhạc ra sao mà lại lọt top xu hướng cả tháng trời như thế.
Điều làm tôi bất ngờ là chàng ca sĩ hát Bên trên tầng lầu lại chính là anh chàng hát cùng Nit bài Hết duyên - bài hát một thời tôi mê mẩn bởi giai điệu lạ tai, lời nhạc đầy chất thư sinh của người nho sĩ ngày xưa khi chuyện tình yêu lỡ dở.
Liên hệ với quản lý của Tăng Duy Tân vào buổi chiều mưa, hôm hẹn trò chuyện miền Bắc cũng đang đúng trong đợt bão, nghe chừng cuộc gặp gỡ có vẻ khá bất ổn. Nhưng cuối cùng, được nghe Tăng Duy Tân chia sẻ về hành trình đến với âm nhạc, tình yêu mãnh liệt của anh chàng ấy với sáng tác, tôi thấy mưa gió bão bùng đúng chẳng là gì hết.
Trở lại sau quãng thời gian khá dài im hơi lặng tiếng và bùng nổ với Bên trên tầng lầu, cảm xúc của Tăng Duy Tân ở hiện tại như thế nào?
Mình vừa vui vẻ lại vừa sợ. Vui và hạnh phúc vì sau ngần ấy thời gian thì cuối cùng khán giả cũng đã công nhận Tăng Duy Tân và biết những bài hát mình đang nghe đó là Tăng Duy Tân hát. Còn về nỗi sợ đó là gần như trong vòng 20 ngày cuộc sống của Tân gần như đảo lộn hoàn toàn.
Trước lịch trình một ngày của Tân là ngủ dậy đâu đó vào khoảng 8-9h. Sau đó Tân ăn sáng, uống cafe, mở máy tính và bắt đầu công việc. Công việc ấy sẽ diễn ra cho đến bữa tối, Tân ăn tối và lại tiếp tục công việc đến khuya. Một tháng sẽ có khoảng tầm 20 ngày như thế. Những ngày còn lại có thể là đi ra ngoài với bạn bè buổi tối, nhưng ít lắm, đâu đó khoảng tuần 1, 2 lần thôi, và sẽ chỉ là với những người bạn thân.
Sau khi mọi người biết đến Tân nhiều hơn, lịch trình của Tân dày lên và bắt đầu có những hoạt động khiến cho Tân không thể ở nhà được nữa. Cũng có những áp lực nữa. Khi khán giả biết đến mình nhiều rồi, từng bước đi của mình sẽ nhận được sự quan sát của khán giả nên từ lời ăn, tiếng nói, hành động... đều phải cố gắng chỉn chu. Ngoài ra Tân cũng phải đặt ra cho mình kế hoạch riêng để chăm sóc bản thân như luyện thanh nhạc, học nhảy, chạy bộ lấy lại sức bền, cột hơi, đặc biệt là sau khi bị Covid, sức khỏe có dấu hiệu suy giảm so với trước.
Vậy anh cảm thấy thành quả ấy đã xứng đáng với công sức mình bỏ ra chưa?
Tới tận bây giờ Tân vẫn cảm thấy mình may mắn nhiều hơn là xứng đáng. Bởi vì bình thường một nghệ sĩ ra sản phẩm phải chuẩn bị rất kỹ, phải lên kế hoạch trước đó nửa năm thậm chí là 1 năm. Còn bản thân Tân ra nhạc khá là cảm tính và gần như là không truyền thông gì cả nhưng lại được khán giả đón nhận. Do đó, mình thấy rất biết ơn.
Với mọi người ở góc nhìn khách quan thì có thể thấy Tân tài năng nhưng với Tân ở góc nhìn chủ quan thì hành trình mấy năm vừa rồi như là Tân viết một cuốn nhật ký, cảm xúc mình như thế nào mình ghi lại bằng nhạc và cứ thế mà các bài nhạc tìm được khán giả và chạm vào họ.
Bản thân Tân không biết Tân giỏi hay Tân dở. Có những đêm Tân nằm và vắt tay lên trán hỏi bản thân mình có giỏi hay không, có tài hay không, tại vì sao mà 2 - 3 năm trời rồi vẫn cứ chìm nghỉm thế này.
Bên trên tầng lầu như một lời tự động viên chính mình, tự đau, tự khóc, tự an ủi, đi tới tận cùng của nỗi đau rồi tự mình đứng dậy. Đó có phải câu chuyện của chính anh? Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về cách bài hát ra đời.
Tân tự xây dựng ra 1 nhân vật em, và nhân vật em ấy chính là bản thân mình. Còn về nội dung bài hát có những người đồng cảm vì sau đợt dịch vừa rồi mọi người cũng bị như thế. Nhưng cũng có 1 số ít khán giả bảo bài hát khá sáo rỗng. Tân thấy cũng không sao cả vì mỗi người một góc nhìn thôi.
Những sản phẩm Tân viết ra thường rất ngẫu hứng. Tại vì cảm xúc nó sẽ đến bất kỳ lúc nào. Ví dụ bài Không phai đến lúc 4h sáng và đến 7h là Tân thu xong demo. Còn Dạ vũ là lúc Tân đi câu cá, có cảm hứng thế là ngồi viết. Hay như Tình đầu là khi Tân đi diễn trong Sài Gòn, đêm hôm ấy rất buồn, Tân có viết vài câu trước xong đến sáng hôm sau thức dậy sớm và mượn đàn ghi ta của khách sạn và ngồi luôn ở sảnh viết.
Bên trên tầng lầu Tân sáng tác trong giai đoạn Việt Nam đang giãn cách. Trước đó Tân cũng đã viết phần record của bài rồi. Giai đoạn cuối 2020, Tân cũng hơi trầm cảm một tí, thật ra thì đó cũng là khi bước vào 2 năm trầm cảm rồi nhưng nó khá là nhẹ nên lời chưa thực sự sâu sắc. Tân nghe Tân cảm thấy nó chưa đúng với lại những thứ mình trải qua. Đến khoảng tầm giữa 2021 thì Tân mới viết lại cho đúng cảm xúc.
Nhiều khán giả cố gắng lý giải cái cụm từ “Bên trên tầng lầu”. Thực sự thì nó có nghĩa là như thế nào nhỉ?
Tầng lầu ở đây, căn phòng ở đây chính là nội tâm của mình. Tầng lầu ấy rất cao, nơi ấy chúng ta không thể hò hét kêu cứu ai được bởi vì ai cũng đang như mình cả, chẳng ai giúp được ai hết, và gần như là bất lực cuối cùng tự mình phải thoát ra thôi. Nó giống như một lớp màng chúng ta muốn đâm thủng nhưng không thể nào đâm thủng được. Ngoài việc bản thân phải nỗ lực đâm qua thì không ai có thể giúp được hết.
Có rất nhiều những bản cover khác nhau, thậm chí là có cả những bản nhạc chế hài hước từ Bên trên tầng lầu. Tăng Duy Tân có thấy khó chịu khi ca khúc của mình mang giai điệu khác, lời nhạc khác?
Bản chất của nghề ca sĩ và nhạc sĩ đó là viết ra câu chuyện và truyền tải câu chuyện. Và việc khán giả đón nhận như thế, khán giả cover lại nhiều như thế chứng tỏ họ rất thích thú với sản phẩm của Tân. Sản phẩm Bên trên tầng lầu Tân không có PR gì cả, và bài hát đó có thể trở lên viral trên Tiktok và để cho khán giả biết đến nhiều hơn là công sức của những bạn sáng tạo nội dung như thế.
Tân cảm thấy vui vẻ và biết ơn với điều đó. Nhiều khi vô tình thấy bản cover theo nhạc cách mạng rất hay lại cảm thấy rất vui, không hề bực mình.
Học một ngành học không liên quan gì đến công việc hiện tại là Đông Phương học và từng bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch với mức lương 30 triệu. Vậy lý do gì để anh chọn sáng tác, làm nhạc và trở thành ca sĩ?
Mỗi người chúng ta luôn có 1 mục tiêu để sống. Thời điểm Tân học xong 4 năm đại học và ra trường làm hướng dẫn viên du lịch, trong vòng 4 tháng ở Hội An, Tân mới nhận ra rõ ràng những cái mình học xưa giờ nó không phải mục đích sống của mình. Nếu như thanh xuân của mình không được làm điều mình muốn, sau này già rồi sẽ rất hối hận. Tân nghĩ rằng sau này Tân có thể trả nợ cho gia đình với mức lương như thế, hay mình có thể ổn định mua nhà mua xe, cưới vợ. Nhưng chắc chắn Tân sẽ mang trong lòng một bóng ma của những ước mơ chưa bao giờ làm được.
Tân nghĩ là nếu mình được làm công việc mình yêu thích, sống cùng nó thì mình sẽ hạnh phúc hơn. Chưa chắc một công việc kiếm được nhiều tiền hơn sẽ khiến mình hạnh phúc.
Anh có thể kể một chút về quãng thời gian đó không?
Tân sẽ chia sẻ thêm 1 chút. Hồi đó, Tân làm hướng dẫn viên tour Cù Lao Chàm. Tân sẽ bắt đầu ra cảng Cửa Đại lúc 9h và dẫn đoàn, đến 2 rưỡi là quay lại bờ. Và ngày nào cũng sẽ như thế, bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 2 rưỡi chiều. Có nghĩa là 1 ngày Tân làm có 5 tiếng rưỡi và thu nhập của Tân nó dao động vào khoảng trên dưới 1 triệu. Thường thì Tân cũng sẽ được tip nhiều hơn vì nghiệp vụ Tân cũng tốt, nói chuyện cũng hay và nhiều khi giới thiệu cho khách những dịch vụ như lặn biển, đi dù lượn tân cũng sẽ được hoa hồng. Thu nhập lúc ấy khá là ổn.
Được 4 tháng, mùa du lịch cũng hết luôn rồi. Tân sang làm phục vụ cho một nhà hàng Thái và mục đích chính đó là học tiếng Anh và bồi dưỡng tiếng Trung. Những giờ mà vắng khách, Tân sẽ ngồi viết nhạc. Đó là nghề cũ của Tân. Sau 4 tháng thì Tân nghĩ là thôi chịu rồi, không thể làm nổi nữa đâu (Cười).
4 năm ở Huế, Tân được sinh hoạt ở những câu lạc bộ ghi ta, hát hò, được thỏa sức đam mê. Nhưng rời Huế vào Hội An, một cái phòng thu cũng không có, cũng không có một hoạt động nghệ thuật gì cả, chỉ có du lịch, khá khó để Tân có thể phát triển đam mê.
Ra mắt cùng Nit với ca khúc Hết duyên nhưng không nhận được quá nhiều sự chú ý. Lúc ấy anh có nghĩ rằng mình sẽ dừng lại con đường âm nhạc không?
Giai đoạn ấy Tân ra Hà Nội với tư cách là nhạc sĩ chứ không phải là ca sĩ. Bài Hết duyên đó hơi khó hát một chút nên Tân vào hát cùng Nit. Nói nghề chọn người cũng đúng vì Tân chỉ định sáng tác và xuất hiện với vai trò một trainer.
Với Hết duyên ở thời điểm đó được 10 triệu view là một thành tích rất lớn đối với Tân rồi. Một người mới bắt đầu mà được từng ấy thì cũng đã là một sự động viên rất lớn cho nên Tân vẫn cứ tiếp tục. Nguyên 2018 Tân luyện về sáng tác, 2019 luyện về phòng thu và 2020 mới dám vào Sài Gòn. Và kể cả thời điểm mới vào Sài Gòn Tân vẫn khá tự ti và sợ thua người ta nên Tân vẫn tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và đến tận bây giờ Tân vẫn đang nghiên cứu nhạc mới.
Khó khăn lớn nhất với Tăng Duy Tân trong hành trình đến với âm nhạc và có những ca khúc viral là gì?
Đó là ngay từ đầu gia đình Tân và Tân không nghĩ đến việc sau này Tân sẽ làm nhạc sĩ, ca sĩ, cho nên Tân mất thời gian khá là dài để chuẩn bị mọi thứ. 4 năm đại học Tân đi diễn rất nhiều, diễn phòng trà, diễn cafe nhưng những kiến thức sâu xa hơn trong sáng tác, biểu diễn, nhảy… Tân vẫn còn cần phải học rất nhiều.
Anh có hối hận vì mất 4 năm thanh xuân để học 1 ngành nghề mà mình không thấy hạnh phúc khi làm?
Không hề. Tại vì tới tận bây giờ thói quen của Tân vẫn nghe sách nói về lịch sử và quan hệ quốc tế. 4 năm học Đông phương học cho Tân được những kiến thức cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Đó cũng là vốn liếng để mình nhìn nhận cuộc đời và viết nhạc. Nếu ai bây giờ hỏi về chuyên môn lịch sử, quan hệ quốc tế thì Tân vẫn có thể trả lời được.
Tăng Duy Tân cũng đã có những bài hát viral, đặc biệt là viral ở thị trường tiktok Trung Quốc, thậm chí bài Ngây thơ còn được được cộng đồng mạng xứ Trung gọi là "thần khúc của Việt Nam”. Có phải thị trường âm nhạc anh muốn hướng tới là Trung Quốc?
Thật ra, Tân cũng đã từng nghĩ rồi. Nhiều khi Tân cũng cảm thấy hơi tủi thân đó là mình được khán giả Trung Quốc đón nhận rất nồng nhiệt, thậm chí Tân còn 2 lần top 1 ở Trung Quốc rồi nhưng ở Việt Nam đa số mọi người đều không biết Tăng Duy Tân là ai. Lúc Ngây thơ trở nên phổ biến ở Trung Quốc thực sự là ngoài sức tưởng tượng của Tân.
Nhưng mà hiện tại mình sẽ không hướng tới thị trường Trung Quốc nữa vì rõ ràng mình đã được nước nhà đón nhận rồi. Thêm nữa, nguyện vọng của Tân không phải là sang Trung Quốc để trở thành một nghệ sĩ Trung hát tiếng Trung mà mình mang tiếng Việt, âm nhạc Việt đến với nước bạn. Giờ mình có cơ hội, mình được người ta đón nhận, người ta chấp nhận tiếng Việt thì Tân muốn mang tiếng Việt ra nước ngoài nhiều hơn. Còn những gì ngoài nghệ thuật Tân sẽ không chấp nhận. Tân hi vọng nếu vào thị trường Trung thì Tân sẽ là người đại diện cho nghệ thuật Tân tạo ra và nghệ thuật này là của người Việt Nam.
Nhưng ý định đó Tân không nghĩ tới nữa rồi vì mọi người ở nước nhà đã đón nhận Tân rồi. Tân cảm thấy ấm áp và đỡ tủi thân biết bao nhiêu đó (Cười).
Nhiều ca sĩ là con cưng quốc tế nhưng lại không có chỗ đứng nhất định ở làng giải trí trong nước. Anh nghĩ như thế nào về điều này?
Nó cũng có nhiều lí do, như Tân thì Tân không làm truyền thông mấy nên chắc khán giả ít người biết.
Bản thân Tân còn cố tình giấu mặt đi. Bài Tình đầu cố làm cho nhòe, Ngây thơ thì bị ép lắm mới phải lộ mặt đấy. Còn đến Bên trên tầng lầu thì lúc ấy Tân sửa mũi rồi nên cũng tự tin hơn. Xưa Tân bị tự ti lắm.
Từng tự ti về ngoại hình và phẫu thuật mũi, anh có nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ xong mình mới đổi vận?
Tân làm mũi đầu tiên là để thuận tiện hơn cho việc làm nghệ thuật. Khi mình đi diễn, khán giả không chỉ bỏ tiền tới nghe mình hát mà còn bỏ tiền ra để xem mình biểu diễn nên mình phải có trách nhiệm về mặt hình ảnh của mình. Cho nên sau khi sửa mũi xong Tân bắt đầu nhận show đi diễn nhưng lúc ấy chưa nhiều. Bên trên tầng lầu được đón nhận thì lúc ấy Tân mới đi diễn nhiều hơn.
Về đổi vận hay không thì Tân nghĩ là có 1 phần. Theo nhân tướng học, thì phần mũi này người ta gọi là cung tài bạch nó chủ cho tiền tài, sự nghiệp, sức khỏe, nghị lực... Theo như cảm nhận của Tân sau khi Tân sửa mũi xong, mình có nghị lực nhiều hơn đấy. Buổi sáng mình ngủ dậy mình thấy mình đẹp hơn, mình vui vẻ mình nhiều năng lượng tích cực hơn, tự tin hơn. Khi cảm xúc mình thay đổi sẽ kéo theo tư duy thay đổi, hành động cũng thay đổi và khi đó kết quả cũng sẽ khác đi.
Âm nhạc đối với Tăng Duy Tân là gì?
Vui nghe nhạc, buồn nghe nhạc, không có việc gì làm cũng nghe nhạc. Âm nhạc cũng chính là cuốn nhật ký của Tân, là nơi Tân trải lòng. Tân là người không hấp thu được “vitamin hạnh phúc” là bia rượu nên Tân gửi hết vào nhạc. Và âm nhạc chính là thứ giúp Tân đi đến tận bây giờ. Tân là người khá nhạy cảm, ai nói gì Tân cũng sẽ suy nghĩ, rồi nhiều khi sẽ buồn. Vậy nên những lúc đó Tân sẽ làm thơ, viết nhạc.
Màu sắc âm nhạc mà anh hướng đến như thế nào? Buồn bã, trầm lắng hay sôi nổi, vui vẻ?
Tân vẫn sẽ giữ đúng bản chất của Tân bây giờ là cảm xúc như thế nào mình ghi lại như thế. Và ngoài ra Tân sẽ nghĩ thêm cho khán giả, là khán giả cần những giai điệu này. Không phải khán giả nào cũng có kiến thức về âm nhạc mà đơn thuần là những người nghe phổ thông thôi, nên làm sao để cho người ta dễ nghe, dễ thuộc, dễ hát và dễ hiểu.
Anh hiện tại có đang trong một mối quan hệ nào không?
Đó là nhiên liệu để Tân có thể làm nhạc và Tân muốn giữ riêng cho bản thân mình.
Vậy anh có mẫu hình lý tưởng nào không?
Không luôn. Mình có cảm tình, mình rung động với ai thì mình tới với người ấy thôi. Mình cảm thấy phù hợp là được kể cả là vấn đề tuổi tác luôn nhưng tất nhiên là phải đủ 18 rồi. (Cười).
Anh có thể bật mí một chút về những dự định sắp tới?
Sắp tới Tân có một mini album gồm 4 bài. Và hiện tại thì ekip cũng đang bắt đầu chuẩn bị cho việc quay MV rồi.
Tăng Duy Tân tên thật là Nguyễn Tăng Duy Tân, là một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ sinh năm 1995. Từng được biết đến với nhiều bài hit như Ngây thơ, Không phai (05), Dạ vũ nhưng đến Bên trên tầng lầu anh mới được đông đảo khán giả biết đến và nhớ mặt đặt tên.
Bình luận