Cũng là chim nhưng sao chim cánh cụt không biết bay?

Dung Hạnh Đăng lúc: Thứ tư, 03/08/2022 09:18 (GMT +7)
Là một loài chim và có cánh nhưng chim cánh cụt lại biết bơi như 1 kình ngư thay vì biết bay như đồng loại.

Chim cánh cụt có lẽ được biết đến nhiều nhất là loài chim không biết bay và sinh sống ở vùng nước lạnh giá Nam Cực. Chim cánh cụt mất khả năng bay lượn và thay vào đó trở thành những "kình ngư" cách đây khoảng 60 triệu năm, trước khi cả lớp băng ở Nam Cực hình thành.

Một nghiên cứu mới về hóa thạch chim cánh cụt và bộ gen của các loài chim cánh cụt hiện nay đã xác định một loạt các biến đổi gen để sống dưới nước: thị lực nhạy cảm với tông màu xanh dương dưới nước, các gen liên quan đến oxy hóa máu và thậm chí đến sự thay đổi mật độ xương. 

Một gia đình chim cánh cụt Adélie
Một gia đình chim cánh cụt Adélie

Từ biết bay đến không biết bay

Đồng tác giả nghiên cứu Daniel Ksepka, nhà nghiên cứu sinh vật học tại Bảo tàng Bruce ở Greenwich, Connecticut cho biết, hóa thạch chim cánh cụt lâu đời nhất có niên đại 62 triệu năm. Vào thời điểm đó, chim cánh cụt đã không còn biết bay, mặc dù chúng trông rất khác so với chim cánh cụt hiện đại. Tổ tiên chim cánh cụt có chân và mỏ dài hơn, đôi cánh vẫn giống cánh chim hơn là cánh nhỏ.

Theo thời gian, quá trình tiến hóa đã tạo ra những con chim cánh cụt có mỏ dài như ngọn giáo đến những con chim cánh cụt có lông màu đỏ cho đến những con chim cao hơn loài chim cánh cụt lớn nhất hiện nay (cao khoảng 1,1 mét).

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá bằng chứng hóa thạch cùng với bộ gen của tất cả các loài chim cánh cụt vẫn còn sống và một phần bộ gen của những loài đã tuyệt chủng trong vài trăm năm qua. Họ phát hiện rằng chim cánh cụt có nguồn gốc gần New Zealand ngày nay có mặt vào khoảng trước 60 triệu năm trước, phân tán đến Nam Mỹ và Nam Cực, sau đó quay trở lại New Zealand. Ksepka cho biết: "Hầu hết các loài sinh vật còn sống ngày nay đã khác xa so với những loài trong khoảng 2 triệu năm trước." Thời kỳ đó, Trái đất đã trải qua các chu kỳ băng hà, trong đó băng ở hai cực mở rộng và tan ra. Vào thời điểm băng tan, những con chim cánh cụt bị tách ra khỏi đoàn và tiến hóa thành các loài khác nhau.

Chim cánh cụt bơi lội rất giỏi
Chim cánh cụt bơi lội rất giỏi

Sự thích nghi di truyền

Chim cánh cụt có tốc độ thay đổi tiến hóa chậm nhất trong số các loài chim. Điều này thật đáng ngạc nhiên và vẫn chưa giải thích được.

Mặc dù quá trình tiến hóa của chim cánh cụt tương đối chậm, nhưng giúp chúng thích nghi với cuộc sống trong và gần biển. Chúng có một bộ gen khiến ngắn cánh như các loài chim không biết bay khác, và đặc biệt chúng còn có cả những gen độc nhất làm biến nhiều cơ trên cánh của tổ tiên chim cánh cụt thành gân, làm cứng đôi cánh và khiến chúng giống chân chèo hơn. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy đột biến trong gen liên quan đến việc lưu trữ canxi, có thể góp phần tạo nên bộ xương dày đặc giúp chim cánh cụt lặn.

Quá trình tiến hóa cũng mang lại nhiều thay đổi khác, chẳng hạn như các gen liên quan đến việc lưu trữ chất béo và điều chỉnh nhiệt độ. Một phát hiện thú vị là chim cánh cụt đã mất một số gen ngay từ đầu trong quá trình tiến hóa. Hầu hết chim cánh cụt ăn nhuyễn thể, cá, mực và các dạng sinh vật biển khác. May mắn thay, các nhà nghiên cứu phát hiện chim cánh cụt còn lại một gen - gen CHIA - cho phép chúng vẫn tiêu hóa được động vật giáp xác.

Theo Live Science

Vì sao tinh tinh lại ném phân vào du khách? Cận cảnh con trăn nuốt nguyên cá sấu và hươu sao vào bụng Đi tìm chó nhà, người đàn ông mủi lòng chuộc hết đàn chó 31 con trong lò mổ
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp