Kể từ tháng 6, những trận mưa xối xả đã dẫn tới ngập lụt trên diện rộng ở nhiều quốc gia phía Đông, Đông Nam và Nam châu Á. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ, Ấn Độ, hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng vì lũ lụt.
Bangladesh năm nay từng có thời điểm 1/3 diện tích lãnh thổ chìm trong nước lũ. Riêng Trung Quốc trong năm nay, 2,7 triệu người phải sơ tán và ước tính 63 triệu người chịu ảnh hưởng vì lũ. Nhiều con đập trên lưu vực sông Trường Giang cũng không còn đủ sức chứa nước, gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam Trung Quốc ít nhất kể từ năm 1961.
Tháng 7/2020, lượng mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu (Nhật Bản) khiến ít nhất 65 người thiệt mạng. Nhiều nơi thuộc tỉnh Chiba, phía đông Tokyo, vẫn lao đao vì siêu bão Faxai hồi tháng 9 năm ngoá.
Miền Trung Việt Nam cũng đang hứng chịu những hậu quả từ khi bão Linfa đổ bộ hôm 11/10. Hiện đã có 84 người thiệt mạng, 38 người mất tích, gần 53.000 hộ dân phải sơ tán, tính đến 18/10.
"Biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa dữ dội hơn", Homero Paltan Lopez, chuyên gia thủy lợi tại Đại học Oxford, Anh, cho biết. Theo dự báo, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến gió mùa tại khu vực, khiến lượng mưa tập trung hơn nữa vào mùa mưa và làm mùa khô kéo dài thêm.
"Những nơi ẩm ướt sẽ ngày càng ẩm ướt và các khu vực khô hạn sẽ ngày càng khô hạn", Abhas K Jha, chuyên gia thuộc chương trình quản lý rủi ro đô thị và thiên tai ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cho biết. Không chỉ lũ, các dòng chảy còn có thể biến tướng theo cách khác và khó lường hơn.
Khả năng lượng khí thải nhà kính từ trước đến nay là nguyên nhân gây mưa cực đoan và mực nước biển dâng cao, dẫn đến lũ lụt. Hơn nữa, các yếu tố phi khí hậu, như di cư và phát triển, cũng liên quan đến tầm ảnh hưởng kinh tế - xã hội của lũ lụt.
Ngoài ra, tình trạng tàn phá trên diện rộng để nuôi trồng thủy sản tại vùng rừng ngập mặn ven biển, vốn giúp hạn chế nước dâng do bão và nước mặn xâm nhập vào đất liền, khiến đất bị chìm xuống do khai thác nước ngầm quá mức. Việc mất các khu vực đầm lầy và bể chứa nước tự nhiên khác đồng nghĩa với nhiều thành phố dễ bị ngập lụt hơn, ngay cả khi không có yếu tố biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Jha tại Ngân hàng Thế giới đề xuất, ngoài việc tập trung vào các đập, kênh và công trình trị thủy, chúng ta cần tập trung vào việc tăng khả năng chứa nước của các thành phố thông qua cảnh quan, đồng thời khôi phục những hệ thống sinh thái như đồng bằng ngập nước, đầm lầy và rừng ngập mặn.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trụ sở ở Manila, Philippines ước tính xây dựng các chi phí nói trên tại châu Á từ nay đến năm 2030 vào khoảng 800 tỷ USD. Hiện nhiều quốc gia cũng đang mở rộng ngân sách cho vấn đề môi trường như Hàn Quốc với ngân sách lên tới 73 nghìn tỷ won (63 tỷ USD) cho các mục tiêu giảm khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời đầu tư vào những công trình tiết kiệm năng lượng.
Bình luận