Giáng sinh là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giáng sinh

Huyền Nguyễn Đăng lúc: Thứ sáu, 26/11/2021 15:18 (GMT +7)
Cứ đến cuối tháng 12, trên khắp các con phố lại nhộn nhịp không khí Giáng sinh. Để hiểu rõ hơn về ngày lễ này, mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau!
Hashtag #Giáng sinh #LIFESTYLE #Du lịch và khám phá

1. Giáng sinh là ngày gì?

Ngày Giáng sinh hay còn được gọi là ngày Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas. Đây là lễ hội thường niên của người Kito (người theo đạo Thiên Chúa), được tổ chức như một nghi lễ tôn giáo, văn hóa ở nhiều nước trên thế giới nhằm kỷ niệm ngày sinh của chúa Giê-su. 

Lễ Giáng sinh nhằm kỷ niệm ngày sinh của chúa Giê-su.
Lễ Giáng sinh nhằm kỷ niệm ngày sinh của chúa Giê-su.

Theo đó, tiếng gọi "Noel" xuất phát từ danh hiệu Emmanuel (tiếng Hebrew), có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Còn "Christmas" là tên gọi tiếng Anh, chữ "Christ" là tước hiệu của chúa Giê-su (đấng Kito), chữ "Mas" là thánh lễ. Vì vậy, hiểu theo nghĩa chiết tự thì "Christmas" có nghĩa là "Lễ của Đức Kito". 

Nhiều người cũng thắc mắc lễ Giáng sinh là ngày nào? Thông thường, lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày 25/12, gọi là "lễ chính ngày". Tuy nhiên, theo lịch Do Thái thì thời điểm bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm nên lễ đêm ngày 24/12, gọi là "lễ vọng", thường thu hút nhiều người tham gia hơn. Ngoài ra, Giáo hội Chính thống giáo Đông Phương ở Nga, Gruzia sử dụng lịch Julius cổ để tính ngày. Do đó, ngày lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7/1 Dương lịch hiện nay. 

>>> Xem thêm: Vì sao người Nga lại đón Giáng sinh vào tháng 1

2. Nguồn gốc của ngày Giáng sinh

Thời kỳ Giáo hội Cơ Đốc (Kito) sơ khai, lễ Giáng sinh được tổ chức chung với lễ Hiển linh. Ngay từ năm 200, thánh thánh Clêmentê Alexandria (150 - 215) đã nói đến ngày lễ đặc biệt, thường được cử hành vào ngày 20/5. Còn Hội thánh La-tinh mừng ngày lễ này vào ngày 25/12. 

Ngày 24/12 là 'lễ vọng', ngày 25/12 là 'lễ chính ngày'.
Ngày 24/12 là "lễ vọng", ngày 25/12 là "lễ chính ngày".

Theo một nguồn khác thì tín hữu Kito sơ khai không mừng lễ sinh nhật - thói quen của dân ngoại đạo. Vì vậy, họ không mừng lễ Giáng sinh của chúa Giê-su trong 3 thế kỷ đầu. Mãi đến thế kỷ IV thì những người Kito mới ăn mừng lễ Giáng sinh một năm một lần. Tuy nhiên, ở thời điểm đó Kito giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp. Do đó, họ tranh thủ ngày 25/12 hàng năm - ngày lễ mừng "Thần mặt trời" của người La Mã để kỷ niệm ngày sinh của chúa Giê-su. 

Năm 312, hoàng đế La Mã Constantine đã bỏ Đa Thần giáo và theo Kito giáo. Ông đã hủy bỏ ngày lễ mừng "Thần Mặt trời" và thay bằng ngày mừng sinh nhật của chúa Giê-su. Năm 354, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25/12 là ngày chính thức cử hành lễ Giánh sinh của chúa Giê-su. 

Giáng sinh là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giáng sinh - Ảnh 3

Trong nhiều thế kỷ, những sử gia của Kito giáo đã chấp nhận ngày 25/12 này. Tuy nhiên, các học giả bắt đầu có nhiều cách giải thích khách kể từ đầu thế kỷ XVIII.

  • Isaac Newton cho rằng, lễ Giáng sinh được chọn vào ngày Đông chí ở Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25/12.
  • Năm 743, Paul Ernst Jablonski (người Đức theo Kháng Cách) lập luận rằng, ngày Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25/12 là do khớp với lễ hội tôn vinh mặt trời Dies Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ.
  • Năm 1889, Louis Duchesne (học giả người Pháp) cho rằng, ngày Giáng sinh được tính bằng 9 tháng sau sự kiện truyền tin, ngày chúa Giê-su được hoài thai.

3. Ý nghĩa của ngày Giáng sinh

Theo truyền thống, ngày Giáng sinh 25/12 hàng năm là kỷ niệm ngày giáng sinh của Chúa Giê-su đối với những người theo Kito giáo. Dần dần, lễ Giáng sinh ngày càng được tổ chức linh đình và đến nay, đây là dịp để mọi người tụ tập, quây quần bên nhau, cùng chào đón một năm mới sắp đến. 

Giáng sinh là dịp để mọi người quây quần bên nhau.
Giáng sinh là dịp để mọi người quây quần bên nhau.

Bên cạnh đó, Giáng sinh cũng là ngày thông điệp hòa bình được lan tỏa: "Vinh danh Thượng Đế trên cao - Bình an cho người dưới thế", chia sẻ với những người kém may mắn, người vô gia cư, người già yếu, bệnh tật... 

4. Biểu tượng ngày Giáng sinh

Ngày nay, Giáng sinh không còn là ngày lễ riêng của những người theo đạo Thiên Chúa mà đã trở thành ngày lễ lớn, được mong chờ nhất trong năm. Cùng điểm qua những biểu tượng đặc trưng của ngày Giáng sinh và ý nghĩa của nó nhé!

4.1 Vòng lá mùa vọng/ vòng nguyệt quế

Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh, thường được đặt trên bàn hoặc treo trên cao trong 4 tuần mùa vọng. Trong vòng lá đặt 4 cây nến, gồm 3 cây màu tím - màu của mùa vọng và mùa hồng - màu của ngày Chúa Nhật vui mừng (Gaudete Sunday). Vòng lá hình tròn nói lên sự sống vĩnh hằng, tình yêu thương của chúa Giê-su. Màu xanh nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu rỗi con người. 

Vòng lá mùa vọng
Vòng lá mùa vọng

4.2 Hang đá, máng cỏ

Vào mỗi mùa Giáng sinh, người ta thường đặt máng cỏ trong hang đá (gỗ, giấy) ở ngoài trời cùng tượng Giê-su, Maria, thiên sứ, mục đường, bò, lừa... để kể lại sự tích chúa Giê-su ra đời trong máng cỏ. Bên trên hang thường được gắn một ngôi sao, tượng trưng cho ngôi sao dẫn đường các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa giáng sinh. 

Hang đá, máng cỏ gắn với sự ra đời của chúa Giê-su.
Hang đá, máng cỏ gắn với sự ra đời của chúa Giê-su.

4.3 Cây thông Giáng sinh

Cây thông Giáng sinh có nguồn gốc từ nước Đức từ thế kỷ thứ 16. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19 thì chúng mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Anh. Năm 1820, những người Đức ở Pennsylvania đã đem cây thông sang nước Đức. Ngày nay, trong dịp Giáng sinh, người ta thường sắm một cây thông và trang trí ngôi sao, quả châu, hoa, dải kim tuyến, bít tất (vớ)... Cây thông Giáng sinh được xem là biểu tượng của niềm hy vọng, sức sống mới để chào đón năm mới. 

Cây thông thường được trang trí đẹp mắt trong dịp Giáng sinh.
Cây thông thường được trang trí đẹp mắt trong dịp Giáng sinh.

4.4 Thiệp Giáng sinh

Năm 1940, một thương gia giàu có ở nước Anh có tên gọi Henry Cole (1808 - 1882) đã nhờ một họa sĩ ở London - John Callcott Horsley (1817 - 1903) thiết kế một tấm thiệp để gửi tặng bạn bè. Năm đó, tấm thiệp đầu tiên trên thế giới đã được in 1.000 bản. Năm 1846, Chính phủ Anh thông qua đạo luật cho phép người dân gửi thư đến mọi nơi với giá rẻ. Vì vậy, thiệp Giáng sinh đã trở nên thịnh hành suốt thời gian về sau.

Thiệp Giáng sinh
Thiệp Giáng sinh

4.5 Quà Giáng sinh

Khi chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời, 3 nhà thông thái (hay 3 nhà chiêm tinh hoặc 3 vị vua) đã đến để bày tỏ lòng thành kính của mình. Họ đem đến những món quà quý giá, gồm vàng - ý nói Giê-su là vua, nhũ hương - tuyên xưng Giê-su là Thiên Chúa và mộc dược - tiên báo sự khổ nạn và cái chết của chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại. 

Ngoài ra, theo truyền thuyết, ông già Noel cưỡi xe tuần lộc, leo qua ống khói và đem đến những món quà Giáng sinh cho trẻ em. 

Mọi người thường tặng nhau những món quà kèm lời chúc an lành.
Mọi người thường tặng nhau những món quà kèm lời chúc an lành.

>>> Xem thêm: Những món quà Giáng sinh nhất định không nên tặng để bữa tiệc vui trọn vẹn

4.6 Chợ Giáng sinh

Chợ Giáng sinh xuất hiện từ cuối thời Trung Cổ (khoảng thế kỷ VIX). Đây là kiểu chợ đường phố, thường được tổ chức trước khoảng 1 tháng trước ngày Giáng sinh. Cho đến nay, chợ Giáng sinh vẫn là nét truyền thống đặc sắc của các nước Áo, Đức và Đông Bắc nước Pháp. 

Chợ Giáng sinh
Chợ Giáng sinh

5. Lễ Giáng sinh có quan trọng không?

Đối với những người theo Kito giáo, lễ Giáng sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Việc tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng trở nên linh đình, mọi người quây quần bên nhau và thưởng thức bữa ăn sum họp, gửi tặng những lời chúc Giáng sinh an lành. 

Lễ Giáng Sinh ở Đức
Lễ Giáng Sinh ở Đức

Mặc dù ở Việt Nam, Giáng sinh không phải ngày nghỉ chính thức nhưng ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Những cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi, những ca khúc Giáng sinh vang lên ở nhiều tuyến phố, các cặp đôi dành tặng cho nhau món quà ý nghĩa và lời chúc ngọt ngào. Đặc biệt, đối với những người Kito giáo thì họ sẽ tham gia thánh lễ tại thánh đường giáo xứ của mình trong đêm 24/12. 

Du khách ghé nhà thờ Hà Nội trong dịp Giáng sinh.
Du khách ghé nhà thờ Hà Nội trong dịp Giáng sinh.

Trên đây là những thông tin chi tiết về lễ Giáng sinh, giúp bạn biết thêm về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như những biểu tượng của ngày lễ này. Một mùa Giáng sinh gần kề, chúc bạn có một mùa lễ thật an lành và hạnh phúc!

Panettone, chiếc bánh mì ngọt làm nên "vị" Giáng sinh của nước Ý Fruit cake, từ chiếc bánh đẫm vị Giáng sinh đến chiếc bánh truyền thống của đám cưới Hoàng gia Anh Bánh quy gừng, món bánh mang trọn vẹn hương vị Giáng sinh
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp