Khô mè (còn được gọi là bánh 7 lửa) là một loại bánh thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Đặc biệt, vào năm 2012, món bánh dân dã này còn lọt vào Top 10 những món đặc sản, bánh ngon, quà tặng nổi tiếng của Việt Nam.
Trong một clip do báo Thanh Niên thực hiện, anh Son, người quản lý của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu mẹ cho hay, món bánh này do bà cố tổ của anh sáng tạo ra từ hơn 200 năm trước. Theo anh Son kể lại, hồi đầu thế kỳ 18 ông cố tổ đi thi ở kinh đô Huế, ngày xưa phương tiện đi lại không có nhiều,thường chỉ có bộ hành. Thời gian đi bộ từ Đà Nẵng đi ra Huế mất hơn 1 tháng, bà cố tổ mới nghĩ ra món bánh lương khô để ông cố ăn đường.
Nhà đã có sẵn gạo, mè, đường, gừng, bà đi mua thêm ít quế Trà My và làm bánh. Đầu tiên gạo được vo sạch cối giã gạo nghiền, hấp, nướng, trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành. Ông cố khi đi thi mới mang đi mời quan viên dùng thử, họ thấy ngon và nghề bánh bắt đầu. Dù vậy mãi đến năm 1988, nghề bánh khô mè của gia đình mới chính thức được thương mại hóa.
Sở dĩ gọi là bánh bảy lửa là bởi, ngày xưa để làm ra bánh khô mè là phải làm thủ công. Khi làm thủ công thì phải làm qua 7 công đoạn trên bếp lửa. Ngoài tên bánh bảy lửa thì món bánh khô mè còn có tên là khô khổ vì quá trình chế biến rất vất vả.
Đầu tiên, người làm bánh sẽ chọn những loại gạo, nếp ngon và mang ngâm trong nước khoảng 1 giờ đồng hồ cho mềm ra. Tiếp đó, gạo và nếp được mang đi vo cho sạch, để ráo nước rồi may thành bột mịn. Khi nhào bột, người ta sẽ phải làm thật khéo để cho bột ướt vừa phải, khi đổ vào khuôn có độ kết dính chứ không bị nhão hoặc khô quá.
Sau khi đổ bột vào khuôn để tạo thành những lát bánh mỏng, người ta sẽ mang bánh đi hấp cách thuỷ khoảng 5 phút cho chín. Không giống nhiều loại bánh bình thường, chỉ cần hấp chín là có thể thưởng thức. Bánh khô mè tiếp tục được mang đi nướng hai lần để khô đều và giòn xốp.
Nếu như trong lần nướng đầu tiên bánh được nướng trong lửa than lớn khoảng 10 phút để khô đều các mặt thì ở lần thứ 2, người ta sẽ sử dụng lửa vừa để nướng bánh từ 10 đến 15 phút. Nướng bánh chính là khâu quan trọng nhất khi làm bánh khô mè vì đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm căn lửa và thời gian thật chuẩn.
Đặc biệt, để bánh khô mè hấp dẫn hơn, họ sẽ thắng nước đường gừng và rang mè rồi nhanh tay thực hiện thao tác nhúng bánh đã được nướng khô vào nước đường gừng và mè rang. Khi ấy, bánh sẽ được áo lên một lớp mè rang vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn. Mè làm bánh cũng được chọn khá kĩ để các hạt có kích cỡ đều nhau, căng mẩy và được rang chín tới, thơm bùi nhưng không cháy.
Bánh khô mè khi ăn sẽ có vị giòn xốp của bột gạo, nếp kết hợp với vị ngọt dịu đặc trưng từ đường mía, mùi thơm thoang thoảng của gừng tươi giã và vị bùi bùi của mè rang. Dù không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào nhưng nhờ được chế biến kĩ và có bí quyết riêng mà bánh khô mè ở đây có thể bảo quản được khoảng 5 đến 6 tháng mà vẫn giữ được độ ngon cũng như giòn rụm của mình.
Bên cạnh phiên bản phủ mè rang gọi là khô mè thì loại bánh này còn có bản biến tấu phủ nếp rang mang tên bánh khô nổ. Nếu có dịp đến thăm các gia đình Quảng Nam – Đà Nẵng trong các ngày giỗ, Tết, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp loại bánh này trên mâm cúng gia tiên.
Hiện nay, để món bánh truyền thống này đa dạng và phù hợp với sở thích của nhiều người hơn, người làm bánh còn sản xuất nhiều loại như bánh khô mè caramen, bánh gạo lứt khô mè đen, bánh gạo lứt khô mè trắng… Ngoài ra, loại bánh khô mè cũng được bày bán nhiều tại các quầy hàng đặc sản và được nhiều du khách mua về làm quà trong chuyến du lịch miền Trung.
Bình luận