Đến nay Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19. PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia chia sẻ, hiện tất cả các địa phương đang thúc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tiêm chủng đợt 3 sớm ngay trong tháng 6/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Về việc bao phủ tiêm vắc xin Covid-19 cho 70% dân số của cả nước, bà Dương Thị Hồng cho biết, điều này sẽ phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trên toàn quốc. Các hệ thống y tế tư nhân cũng sẽ tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia nếu nguồn cung vắc xin dồi dào và đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam.
Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết, người dân có thể lựa chọn loại vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho mình khi có đủ nguồn vắc xin và tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng, hiện thời các loại vắc xin Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam đều được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng.
PGS Hồng khuyến cáo để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng thì việc sớm được tiêm chủng vắc xin Covid-19 là quan trọng, do đó không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà làm mất đi cơ hội tiêm chủng sớm khi phải chờ đợi. Nhưng cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào, vắc xin Covid-19 khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và nếu không được xử trí kịp thời có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe người được tiêm chủng.
Cho đến nay Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14-20% tùy theo từng địa phương, với hơn 1,5 triệu liều vắc xin được sử dụng, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Một số phản ứng nặng sau tiêm vắc xin đã xảy ra, nhưng các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, PGS Trần Đắc Phu cho biết nên tiêm cả 2 mũi vắc xin cùng loại. Vì theo nguyên tắc, tiêm mũi một vắc xin nào thì khi tiêm mũi 2 là vắc xin đó. Còn nếu tiêm các vắc xin khác, thì vẫn phải tiêm đủ liều. Ví dụ như sau khi tiêm vắc xin Astra Zeneca, mũi 2 bạn tiêm sang vắc xin Pfizer, thì bạn vẫn phải tiêm vắc xin Pfizer đủ 2 liều mới có hiệu quả bảo vệ.
Bình luận